Những cách thể hiện cảm xúc rất “con người” của động vật

  •  
  • 3.784

Vào thế kỷ 16, nhà triết học và toán học Rene Descartes từng lên tiếng khẳng định rằng các loài động vật đơn thuần chỉ giống như những cỗ máy có máu đỏ trong cơ thể mà không hề mang chút tư duy hay cảm xúc gì.

Quan điểm này về sau đã gây nên một làn sóng phản đối trong giới nghiên cứu về hành vi động vật. Họ cho biết trên thực tế, khá nhiều loài có cuộc sống giàu tình cảm và thậm chí phân biệt được cả đúng - sai, dù rằng chỉ ở mức sơ đẳng. Từ những nghi thức tang lễ trong quần thể loài voi cho tới sự phẫn nộ của chim sơn ca khi bị cắm sừng, tất cả đều là bằng chứng đáng kinh ngạc chứng minh động vật cũng biết thể hiện cảm xúc rất “con người”.

1. Voi để tang đồng loại

Voi là một trong số ít loài thuộc thế giới động vật có hệ thống các nghi lễ nhóm được liệt vào hạng phức tạp bậc nhất. Khi một thành viên trong đàn chết đi, những con còn lại thể hiện sự thương tiếc bằng cách “mai táng” chúng với rất nhiều lá cây và cỏ đồng thời canh giữ cái xác đó trong vòng một tuần. Và giống như con người thường xuyên đến thăm ngôi mộ của người thân đã mất, voi cũng đều đặn tới nơi chôn cất đồng loại của chúng nhiều năm sau.

2. Chim cũng biết “ngoại tình” và “ghen tuông”

Chim cũng biết “ngoại tình” và “ghen tuông”

Con người không phải là loài duy nhất có lòng ghen tuông. Khi những con chim sơn ca đực ra ngoài tìm kiếm thức ăn, chim cái có thể đi “ngoại tình” với con đực khác. Những con đực bị cắm sừng khi trở về sẽ có những hành vi “bạo lực” với bạn tình của chúng bằng cách mổ vào lông và mỏ, theo một nghiên cứu năm 1975 trên tạp chí Science.

3. Cá heo và nguyên tắc “có đi có lại”

Cá heo và nguyên tắc “có đi có lại”

Cá heo thường xuyên bày tỏ tình cảm với các đối tượng không phải đồng loại của chúng bằng các hành động ngẫu nhiên thể hiện lòng tốt như giải cứu nạn nhân khỏi hàm răng sắc nhọn của cá mập đầu búa, thậm chí còn “hào phóng” hướng dẫn cho những con cá voi bị mắc kẹt tìm đường quay trở lại biển.

Tốt với “người ngoài” là vậy nhưng loài động vật biển có vú này lại khá “keo kiệt” với chính các thành viên trong đàn. Nguyên tắc của chúng là “có đi có lại mới toại lòng nhau” – một đặc điểm rất giống với con người.

4. Chuột và sự thương cảm với đồng loại

Thật bất ngờ, những sinh vật bẩn thỉu thường xuất hiện ở các đống rác - chuột - có sự đồng cảm với nhau. Một thí nghiệm nổi tiếng năm 1958 phát hiện ra rằng loài động vật gặm nhấm này có lòng thương cảm đối với đồng loại của chúng chẳng khác nào con người. Ngoài ra, nghiên cứu khác năm 2006 trên tạp chí Khoa học cũng nhận thấy chuột sẽ nhăn nhó nếu chứng kiến những con khác đang phải chịu đựng nỗi đau đớn nhưng chỉ với điều kiện chúng có “quen biết” nhau từ trước.

5. Chó cũng cảm thấy hối hận?

Chó cũng cảm thấy hối hận?

Trong khi lòng tốt và sự cảm thông có thể phổ biến ở thế giới động vật thì cảm giác tội lỗi được cho là thứ cảm xúc chỉ tìm thấy duy nhất ở con người. Đó là kết quả từ một nghiên cứu trên tạp chí Behavioural Processes năm 2009 sau khi phát hiện ra rằng “chó không biết hối hận” như nhiều người vẫn nghĩ.

Trong nghiên cứu này, chủ nhân những con chó được thông báo rằng vật nuôi của họ đã ăn vụng lúc họ rời khỏi phòng. Đọc được sự giận dữ từ chủ, những con chó đã thể hiện dấu hiệu cho thấy sự ăn năn với tội lỗi đã gây ra. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, thực tế thì chúng chỉ có một chút cảm giác hối hận thật sự còn phần lớn là do phản ứng đơn thuần.

Tham khảo: Livescience

Theo Báo Đất Việt, Livescience
  • 3.784