Những chiếc rìu tay thời Đồ Đá dưới đáy biển Bắc

  •  
  • 1.413

Một nhà khảo cổ không chuyên đã phát hiện một bộ sưu tập chưa từng có bao gồm những cây rìu thời Đồ Đá giữa rất nhiều đồ vật thu được tại đáy biển Bắc.

Jan Meulmeester, người Hà Lan, đã phát hiện 28 cái rìu, có thể đến 100.000 năm tuổi, ở một bãi cát sỏi dưới biển do một nhà cung cấp vật liệu Anh đào lên. Ông cũng tìm được những mẫu xương, răng, ngà và gạc của voi ma-mút cùng một số loài động vật khác có thể đã bị xẻ thịt bởi chính những dụng cụ trên.

Loài người giai đoạn này sử dụng những công cụ đá với nhiều mục đích, rất giống những con dao đa năng của quân đội Thụy Sĩ hiện nay. Suốt thời đại băng hà của giai đoạn thời kỳ đồ đá cũ, kết thúc cách đây 10.000 năm, mực nước biển thấp hơn và biển Bắc là một cánh đồng cỏ.

Phát hiện về những chiếc rìu chứng minh rằng cổ vật từ thời đại này vẫn được bảo quản cực tốt dưới đáy biển. Phil Harding, thuộc Tổ chức phi lợi nhuận Wessex, Anh cho biết “Đây là điều mà chúng tôi hằng mơ ước – chúng tôi biết chắc rằng nó có hiện diện ở đâu đó. Nhưng tôi đoán phần lớn chúng ta sẽ không thể tin được điều này lại xuất hiện như thế.”

Một vùng đất cổ được bảo tồn

Ngư dân thỉnh thoảng kéo lên được những công cụ bằng đá hoặc xương từ biển Bắc, nhưng hiện vật này – phát hiện cách bờ biển 13 km, gần Great Yarmouth, Vương quốc Anh – cho thấy điều này không còn là phát hiện tình cờ.

Hans Peeters, nhà khảo cổ thuộc Cơ quan khảo cổ quốc gia (RACM) ở Amersfoort, Hà Lan, cho biết “Điều kiện hiện vật cho thấy nó thực sự đến từ một địa điểm duy nhất. Chúng ta có thể sẽ gặp những khung cảnh cổ xưa được bảo tồn ở một vùng nào đó dưới đáy biển Bắc.”

“Gần như không thể tìm thấy điều gì thuyết phục hơn nữa. Những tàn tích để lại nhanh chóng bị than bùn và đất sét che phủ vì vậy chúng bảo tồn rất tốt các chất liệu hữu cơ." RACM dự tính cùng với Di sản Anh quốc, cơ quan hợp tác với RACM, thám hiểm khu vực này sâu hơn.

Harding cho biết thêm rằng những chiếc rìu có vẻ như xuất phát từ một khu trại hoặc khu định cư, nơi con người dùng công cụ này để xẻ thịt con mồi. “Những chiếc rìu này tốt đến mức không thể tin được. Chúng còn mới như thể ngày đầu sử dụng.”

Mặc dù bằng chứng về một khu vực có người ở thuộc biển Bắc còn sơ sài, phát hiện mới gần đây này có thể giải tỏa những nghi ngờ rằng những khu vực được bảo quản tốt như thế này có tồn tại – và một ngày nào đó sẽ được phát hiện.

Cuộc săn tìm kho báu

Meulmeester phát hiện những chiếc rìu nhờ vào một chút may mắn và rất nhiều nỗ lực khi ông kiếm tìm ở bãi cát sỏi cầu tàu ở Flushing, tây nam Hà Lan. Công ty Anh Hanson đã đào những vật này lên và đổ tại đó sau khi nạo vét đáy biển. Không ai chắc chắn những chiếc rìu này có nguồn gốc từ đâu. Trong khi các nhà khoa học và Hanson hợp tác để xác định chính xác vị trí, công ty đã dừng hoạt động tại khu vực trên để tạm thời bảo vệ nơi này.

Nếu họ tìm ra khu vực trên, có khả năng camera hoặc thậm chí thợ lặn sẽ được đưa xuống thăm dò, nhưng nước ở đây có độ sâu đến 30m và tầm nhìn ở biển Bắc khá kém. Peeters cho biết thêm “Lớp cát sỏi bao bọc những chiếc rìu có thể sâu tới 5-10m dưới tầng đất cái. Đây là những điều kiện khiến việc khảo sát địa điểm này rất khó khăn.”

Một nhà khảo cổ không chuyên đã phát hiện 28 cây rìu thời Đồ Đá, bao gồm cả chiếc này, giữa một bãi cát sỏi dưới đáy biển Bắc. (Ảnh: National Geographic)

Cửa sổ nhìn ra Thế giới Cổ đại?

Vì những chiếc rìu được phát hiện từ bãi cát chứ không thuộc một mỏ nào có thể xác định niên đại, bởi vậy các nhà khoa học không chắc chắn về tuổi của chúng. Tính toán ban đầu cho rằng chúng khoảng 100.000 năm tuổi nhưng Harding cho rằng con số này hiện tại có vẻ không thực tế. Thời kỳ đồ đá cũ, thời kỳ của những công cụ này, kéo dài khoảng 750.000 năm.

“Một số vùng lâu đời nhất ở châu Âu, cách bờ biển Norfolk, có niên đại cách đây khoảng 700.000 năm.” Thực ra, khu vực phát hiện những cổ vật ở Norfolk chỉ cách nơi phát hiện rìu cổ 48 km. “Hoàn toàn có khả năng những chiếc rìu cũng cổ xưa như thế. Tôi nghi ngờ phán đoán chúng ít tuổi hơn thế, nhưng đơn giản là chúng ta cũng không thể chắc chắn.”

Bên cạnh niên đại, điều làm cho Harding thấy hứng thú là thông tin có thể thu được từ việc nghiên cứu chi tiết hơn. “Nếu chúng ta có thể ghép tất cả các mảnh lại với nhau và nghiên cứu xem chúng được tạo ra như thế nào thì điều này sẽ là một bước tiến vượt bậc.” Ông mong muốn các nhà khoa học nghiên cứu xương ma-mút và xác định loài cũng như tình trạng sức khỏe con vật, tìm kiếm côn trùng, phấn hoa và các mẫu đất. “Những thứ trên là bằng chứng cho thấy nó không còn đơn thuần là một công cụ bằng đá nữa, mà bắt đầu kể cho chúng ta biết thế giới ngày đó như thế nào và nhân loại đang làm gì.” 

Những công cụ này, hiện tại được phán đoán vào khoảng 100.000 năm tuổi, có lẽ dùng để giết và xẻ thịt động vật, được tìm thấy cùng với những mảnh xương và ngà của voi ma-mút. Các chuyên gia cho biết phát hiện này sẽ giúp các nhà khoa học hiểu biết hơn về nền văn hóa của con người thời Đồ Đá.

Tuệ Minh (Theo National Geographic)
  • 1.413