Joseph E. Murray (1/4/1919 - 26/11/2012) sinh ra và lớn lên ở Milford, Massachusetts, Hoa Kỳ. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông theo học tại trường Cao đẳng Holy Cross và sau đó là Trường Y Harvard năm 1940.
Đây chính là nền tảng cho tất cả những gì ông đã từng ước mơ thời thơ ấu. Sau khi tốt nghiệp y khoa, Murray bắt đầu thực tập tại Bệnh viện Peter Bent Brigham, Hoa Kỳ. Trong thời gian đó, ông được giới thiệu vào Quân y của Quân đội Hoa Kỳ.
Tiến sĩ - bác sĩ phẫu thuật Joseph Murray.
Ông từng làm việc với tư cách bác sĩ - trung úy thực tập 9 tháng tại một trung tâm phẫu thuật tạo hình trong thời gian cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai. Trong suốt thời gian quân ngũ, Murray đã chăm sóc rất nhiều bệnh nhân bỏng và nhiều lần thực hiện cấy ghép da trên những bệnh nhân có diện bỏng quá rộng, bằng giải pháp lấy da của người khác thay cho việc lấy từ các vị trí lành trên cơ thể người bệnh.
Qua phẫu thuật ghép da cho các binh sĩ, ông nhận ra trở ngại lớn nhất trong ghép tạng là sự đào thải của hệ miễn dịch đối với các mô lạ. Ông đã cùng các đồng nghiệp ở Bệnh viện Peter Bent Brigham tìm cách hạn chế tối đa sự đào thải này bằng cách thử nghiệm ghép nội tạng trên chó và đã thành công.
Bệnh viện Peter Bent Brigham, Hoa Kỳ hiện nay đã được đổi tên thành bệnh viện Brigham and women's.
Năm 1954, tại thành phố Boston (Mỹ), bác sĩ phẫu thuật Joseph Muray đã cứu sống một bệnh nhân tên là Ronald Richard bị suy thận rất trầm trọng, qua việc cấy ghép thành công vào cơ thể anh ta một quả thận của người anh trai Ronald Herrich. Trước đó, năm 1933, một nhà phẫu thuật người Ukraine đã tiến hành ca cấy ghép thận, song không thành công.
Các bộ phận trong cơ thể con người đều mang một sắc tố miễn dịch giúp cơ thể nhận ra và đào thải mọi sự xâm nhập lạ, chỉ trừ trường hợp bộ phận cấy ghép đó giống hệt. Tuy nhiên, sau thành công của Joseph Muray, không phải ca cấy ghép các bộ phận nội tạng con người nào cũng thành công.
Trong thời gian 20 năm từ 1954 đến 1974, chỉ có 35 trên tổng số bệnh nhân được cấy ghép một bộ phận của người khác được cứu sống. Thành công của Joseph E. Murray đã mở đường cho hàng trăm ngàn ca ghép tạng trên thế giới và mang về cho ông giải Nobel Y học năm 1990.
Ngày 23/12/1954, bác sĩ Murray thực hiện ca ghép thận thành công đầu tiên trên thế giới giữa cặp song sinh Ronald Richard và Ronald Herrich tại Bệnh viện Peter Bent Brigham, Hoa Kỳ. Trong ca phẫu thuật kéo dài 5 tiếng rưỡi, BS Murray được hỗ trợ bởi Tiến sĩ J. Hartwell Harrison và các bác sĩ nổi tiếng khác.
Ca ghép thận thành công đầu tiên trên thế giới kéo dài 5 tiếng rưỡi tại phòng mổ số 2 của Bệnh viện Peter Bent Brigham.
Trong Phòng mổ số 2 của Bệnh viện Peter Bent Brigham, Murray đã cấy ghép một quả thận khỏe mạnh do Ronald Herrick hiến tặng cho người anh em song sinh Richard, người đang chết dần vì bệnh viêm thận mãn tính. Sau ca phẫu thuật, Richard sống được thêm 8 năm, còn Herrick sống thêm 57 năm và qua đời ở tuổi 80.
Trong suốt những năm sau đó, Murray đã trở thành người tiên phong trong việc nghiên cứu sinh học cấy ghép, việc sử dụng các chất ức chế miễn dịch và các nghiên cứu về cơ chế đào thải. Vào những năm 1960, BS Murray cùng các nhà khoa học hàng đầu thế giới đã nghiên cứu về các loại thuốc ức chế miễn dịch, họ cùng nhau điều chỉnh loại thuốc mới có tên Imuran (azathioprine) để sử dụng trong cấy ghép.
Anh em song sinh Ronald Richard và Ronald Herrick chụp cùng BS Murray (ngoài cùng bên trái) và các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật.
Việc phát hiện ra Imuran và các loại thuốc chống thải ghép khác, chẳng hạn như prednisone, cho phép BS Murray thực hiện cấy ghép từ những người hiến tặng không liên quan. Đến năm 1965, tỷ lệ sống sót sau khi được ghép thận từ một người hiến tặng không liên quan đã vượt 65%.
Hiện nay, trên thế giới mỗi năm có khoảng 40.000 ca cấy ghép các bộ phận cơ thể con người được thực hiện trên thế giới. Con số thống kê cho biết tổng cộng có khoảng 460.000 người đang sống nhờ một hoặc vài bộ phận của người khác.