Những dòng sông sắp qua đời!

  •  
  • 934

Với những đất nước đang phát triển như Việt Nam, điều đáng lo nhất là môi trường. Vì những lợi ích trước mắt, người ta đã dễ dãi, xuê xoa với những nguy cơ tiềm ẩn mà trong một tương lai rất gần sẽ phải trả giá rất đắt...

Hôm qua 12-4, Bộ Tài nguyên - môi trường đã công bố báo cáo môi trường VN năm 2006, tập trung vào tình hình ba lưu vực sông Cầu, Nhuệ - Đáy và hệ thống sông Đồng Nai. Đọc những kết quả nghiên cứu, bà Helene B. Jordans - cố vấn của DANIDA (Cơ quan Hỗ trợ phát triển quốc tế Đan Mạch) - đã phải thốt lên: “Có lần  nhìn xuống mấy con kênh ở TP.HCM, tôi tự hỏi có phải chúng đã “chết” rồi không. Bây giờ thì các dữ liệu đã chứng minh điều đó là đúng”.

Thái Nguyên điêu đứng với sông Cầu

Các tỉnh liên quan tới lưu vực sông Cầu gồm Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội. Mật độ dân số 427 người/km2 (cao hơn hai lần mật độ trung bình cả nước), có 800 cơ sở sản xuất công nghiệp, 200 làng nghề và 1.200 cơ sở y tế.


Tàu neo đậu trên sông Sài Gòn gây ô nhiễm nặng nề một đoạn sông này (Ảnh: N.C.T)

Trong các tỉnh có sông Cầu đi qua, Thái Nguyên bị ô nhiễm rõ rệt, đặc biệt là đoạn sông chảy qua thành phố. Nước sông đục, có màu đen nâu và bốc mùi. Hoạt động sản xuất công nghiệp là thủ phạm chính. Nước thải của Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ đặt ngay trong thành phố xả thẳng vào các nhánh nhỏ dẫn ra sông Cầu, gồm các chất ô nhiễm vô cơ, xơ sợi khó lắng, độ kiềm cao. Khu công nghiệp gang thép Thái Nguyên chảy vào con sông này với lưu lượng khoảng 1,3 triệu m3/năm và “ban tặng” cho dòng sông nhiều chất ô nhiễm độc hại như dầu mỡ, phenol và cyanure.

Ngoài sản xuất công nghiệp, các hoạt động nông nghiệp cũng góp phần gây ô nhiễm nghiêm trọng. Lưu vực sông Cầu tiếp nhận thêm ít nhất 180.000 tấn phân hóa học và 1.500 tấn thuốc trừ sâu mỗi năm!

Nước thải sinh hoạt  hại sông Nhuệ - Đáy

Sông Nhuệ - Đáy liên quan đến Hà Nội, Hà Tây, Hà Nam, Hòa Bình, Ninh Bình, Nam Định. Mật độ dân số 874 người/km2. Có trên 4.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, 458 làng nghề và 1.400 cơ sở y tế.

Với lưu vực sông Nhuệ - Đáy, báo cáo đưa ra khẳng định: các sông nội thành Hà Nội bị ô nhiễm nghiêm trọng khi mọi thông số đo được đều vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép. Các con sông khác thuộc lưu vực này như sông Châu Giang, sông Tích, sông Hoàng Long, sông Đào đều bị ô nhiễm. Đặc trưng ô nhiễm của lưu vực sông này là nước thải sinh hoạt đóng góp tỉ lệ lớn nhất, trong đó thành phố Hà Nội đóng góp 54% lượng nước thải sinh hoạt toàn lưu vực.


Rác ở chân cầu sông Tô Lịch (Hà Nội) (Ảnh tư liệu)

Công nghiệp & nuôi trồng thủy sản “giết” sông Đồng Nai

Hệ thống sông Đồng Nai ảnh hưởng đến Đắc Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Thuận, Ninh Thuận, Tây Ninh, Bình Dương, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An. Mật độ dân số 269 người/km2. Có hơn 9.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, 491 làng nghề và 1.633 cơ sở y tế.

Do trải rộng trên nhiều tỉnh, hệ thống sông Đồng Nai chịu tác động cùng lúc từ nhiều nguồn nên phần hạ lưu của nhiều sông trong lưu vực đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, thậm chí có đoạn trở thành sông chết.

Nước sông Đồng Nai, đoạn từ Nhà máy nước Thiện Tân đến Long Đại có hàm lượng chì vượt tiêu chuẩn cho phép. Hệ thống sông Sài Gòn chủ yếu bị ô nhiễm chất hữu cơ với dấu hiệu ô nhiễm kim loại nặng ở một số nơi. Chất lượng nước của các con sông khác như sông Bé, Đa Nhim - Đa Dung, Vàm Cỏ, nước ở các ao hồ, kênh rạch trên lưu vực... đều bị ô nhiễm nặng. Nghiêm trọng nhất là sông Thị Vải đã có đoạn bị chết kéo dài từ sau khu vực hợp lưu suối Cả - Đồng Nai đến Khu công nghiệp Mỹ Xuân. Tác nhân chính gây ô nhiễm nước trong lưu vực là nước thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp và các khu công nghiệp, khu chế xuất. Phần lớn đều xả trực tiếp vào nguồn nước. Một đặc trưng khác về tác nhân ô nhiễm là hoạt động nuôi trồng thủy sản trong lưu vực.            

* Kể từ kế hoạch năm năm (giai đoạn 2006-2010), bên cạnh hệ thống chỉ tiêu kinh tế và xã hội sẽ luôn có hệ thống chỉ tiêu môi trường. Và theo qui định của Bộ Tài nguyên - môi trường, cứ năm năm một lần phải có báo cáo hiện trạng môi trường chung và mỗi năm phải có báo cáo chuyên đề.

* Bà Helene B.Jordans (DANIDA): “Ngăn chặn ô nhiễm luôn luôn rẻ hơn đi dọn dẹp hậu quả của ô nhiễm”.

* Bà Nguyễn Hội Chân - quyền giám đốc quốc gia của World Bank (Ngân hàng Thế giới): “Trong tiếng Việt, từ nước và sông là một phần quan trọng của từ đất nước. Việc bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước không chỉ quan trọng cho quá trình phát triển của đất nước mà còn cho con người VN”.

HƯƠNG GIANG

Theo Tuổi trẻ
  • 934