Những khoảnh khắc lịch sử trong sứ mệnh của tàu Cassini

  •  
  • 2.954

Tàu Cassini để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong lịch sử khoa học vũ trụ trước khi thực hiện nhiệm vụ tự sát.

Trải qua gần hai thập kỷ trong vũ trụ, tàu Cassini sẽ kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình vào ngày 15/9, sau khi thực hiện nhiệm vụ cuối cùng là lao thẳng qua khí quyển sao Thổ để tự sát, theo Mother Nature Network.

Tàu vũ trụ Cassini sẽ tự sát trên sao Thổ vào ngày 15/9.
Tàu vũ trụ Cassini sẽ tự sát trên sao Thổ vào ngày 15/9. (Ảnh: IBTimes India).

Tàu Cassini đang dần cạn kiệt nhiên liệu. Khi nhiên liệu hết, các nhà khoa học sẽ không thể điều khiển Cassini theo đúng quỹ đạo nữa. Con tàu có khả năng đâm vào một trong số hai mặt trăng có thể tồn tại sự sống quay quanh sao Thổ. Để ngăn chặn điều này, NASA buộc phải nói lời tạm biệt với con tàu lịch sử.


Mô phỏng hành trình đâm xuống sao Thổ của tàu Cassini. (Video: NASA).

"Những thành tựu to lớn mà sứ mệnh Cassini đạt được nhiều vô kể", nhà khoa học Carolyn Porco, người đứng đầu nhóm khoa học hình ảnh của tàu Cassini nhận xét. "Tràn đầy cảm hứng, tính phiêu lưu và cả sự lãng mạn - một kết thúc đẹp cho câu chuyện khám phá ly kỳ", NASA ca ngợi.

Tàu thăm dò Huygens đổ bộ xuống mặt trăng Titan


Tàu thăm dò Huygens thành công đáp xuống bề mặt Titan. (Video: YouTube).

Ngày 25/12/2004, tàu thăm dò Huygens tách khỏi Cassini và bắt đầu cuộc đổ bộ xuống Titan, mặt trăng lớn nhất của sao Thổ. Ngoài Trái Đất, Titan là thiên thể duy nhất trong vũ trụ có chất lỏng trên bề mặt ở dạng ổn định.

Tàu Huygens đáp xuống bề mặt Titan ngày 14/1/2005 và phát hiện các điều kiện tương tự Trái Đất thời kỳ sơ khai, trước khi sự sống xuất hiện. Tuy nhiên, vẫn có một số khác biệt lớn như thành phần chủ yếu của chất lỏng trên Titan là methane và ethane, hay nhiệt độ bề mặt sao Thổ cực thấp, -179,35 độ C.

Ngoài ra, Cassini còn phát hiện một đại dương dưới bề mặt Titan có thể chứa hàm lượng muối cao như Biển Chết trên Trái Đất.

Ghi lại hình ảnh cận cảnh nhất của sao Mộc

Hình ảnh cận cảnh của sao Mộc do tàu Cassini chụp lại.
Hình ảnh cận cảnh của sao Mộc do tàu Cassini chụp lại. (Ảnh: NASA).

Trong chuyến hành trình quanh sao Thổ, Cassini cũng có cơ hội quan sát các hành tinh khác như Trái Đất, sao Kim và sao Mộc. Hình ảnh Cassini chụp sao Mộc là ảnh màu chân thực và chi tiết nhất con người từng ghi lại. "Tất cả những gì nhìn thấy trên hành tinh này là mây, những dải màu trắng hoặc nâu đỏ song song, những hình bầu dục trắng và Vết Đỏ Lớn", NASA cho biết.

Phát hiện các mặt trăng ẩn

Tàu Cassini phát hiện mặt trăng Daphnis của sao Thổ.
Tàu Cassini phát hiện mặt trăng Daphnis của sao Thổ. (Ảnh: NASA).

Cassini phát hiện thêm 7 mặt trăng ẩn của sao Thổ gồm Methone, Pallene, Polydeuces, Daphnis, Anthe, Aegaeon và gần đây nhất là S/2009 S 1 có đường kính chỉ 300m. NASA đặc biệt chú ý đến Daphnis, trọng lực của mặt trăng này tạo ra các sóng trong vành đai xung quanh nó. Daphnis có một số gợn hẹp và bề mặt khá nhẵn mà NASA cho là do các hạt mịn từ những vành đai tạo thành.

Khu vực có thể tồn tại sự sống dưới bề mặt Enceladus

Mặt trăng Enceladus của sao Thổ có thể tồn tại sự sống.
Mặt trăng Enceladus của sao Thổ có thể tồn tại sự sống. (Ảnh: NASA).

Trong khi chuyển động quanh mặt trăng này, tàu Cassini đã phát hiện những điều kiện phù hợp để vi khuẩn phát triển. "Trên đó có nước dạng lỏng, carbon hữu cơ, nitơ và nguồn năng lượng nữa. Ngoài Trái Đất, không có môi trường nào khác trong hệ Mặt Trời hội tụ tất cả những yếu tố này", Chris McKay, nhà sinh vật học vũ trụ tại Trung tâm Nghiên cứu Ames thuộc NASA, nói với Daily Galaxy.

Qua những hình ảnh tàu Cassini gửi về, các nhà khoa phát hiện những giếng phun khổng lồ, gần giống núi lửa băng, phun nước dạng lỏng để tạo ra bề mặt trắng, nhẵn và lạnh của Enceladus. Hóa ra dưới bề mặt nơi này là một biển nước muối ấm.

"Nếu tìm ra sự sống dưới đại dương của Enceladus qua một nhiệm vụ sau nhiệm vụ tàu Cassini, thì những phát hiện về Enceladus sẽ nằm trong số những phát hiện vĩ đại nhất về thiên thể vũ trụ", Linda Spilker, nhà khoa học thuộc dự án tàu Cassini nhận xét.

Bão lớn trên sao Thổ

Tàu Cassini gửi hình ảnh cơn bão trên sao Thổ về Trái Đất.
Tàu Cassini gửi hình ảnh cơn bão trên sao Thổ về Trái Đất. (Ảnh: NASA).

Năm 2006, các nhà khoa học xem những bức ảnh sao Thổ mà Cassini gửi về và kinh ngạc phát hiện một thứ giống cơn bão lớn ở cực bắc. Ngoài Trái Đất, họ chưa từng thấy hiện tượng thời tiết này xảy ra ở bất cứ hành tinh nào khác.

Đây không phải là một cơn bão bình thường. Nó có kích thước gấp 50 lần bão trên Trái Đất với sức gió mạnh hơn 4 lần và hoàn toàn không di chuyển. Quá trình cơn bão hình thành mà không cần lượng hơi nước lớn như trên Trái Đất hiện vẫn là một bí ẩn.

Bức ảnh "Ngày Trái Đất mỉm cười"

Tàu Cassini chụp lại hình ảnh Trái Đất từ sao Thổ.
Tàu Cassini chụp lại hình ảnh Trái Đất từ sao Thổ. (Ảnh: NASA).

Một trong những bức ảnh vũ trụ đáng nhớ nhất được chụp vào ngày 19/7/2013. Khi đó, Cassini hướng máy ảnh trở về Trái Đất và chụp lại quê hương của mình.

Ngoài ghi được những chi tiết mới về sao Thổ, con tàu còn thành công ghi lại hình ảnh chấm xanh nhạt nhỏ bé. Bức ảnh mang tên "Ngày Trái Đất mỉm cười", đánh dấu lần đầu tiên con người biết trước sẽ nhận được ảnh chụp Trái Đất từ ngoài không gian.

Khoảng không trống rỗng giữa sao Thổ và các vành đai


Âm thanh tàu Cassini ghi lại về khoảng không giữa sao Thổ và các vành đai. (Video: YouTube).

Khi Cassini lần đầu tiên lao xuống vùng giữa sao Thổ và các vành đai, các nhà khoa học dự kiến sẽ nghe thấy âm thanh những hạt bụi va vào con tàu. Tuy nhiên, dữ liệu gửi về lại chỉ có âm thanh đều đều cùng một vài tiếng rít thể hiện sóng đơn trong môi trường chứa hạt mang điện tích mà thiết bị cảm biến Radio and Plasma Wave Science (RPWS) của Cassini dò được.

Khu vực giữa các vành đai và sao Thổ dường như là "một khoảng không lớn", theo Earl Maize, quản lý dự án Cassini tại Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực thuộc NASA.


Âm thanh do tàu Cassini ghi lại vào tháng 12/2016. (Video: YouTube).

Điều này khiến các nhà khoa học bất ngờ vì khi Cassini lao xuống gần đường viền các vành đai chính của sao Thổ hồi tháng 12/2016, thiết bị cảm biến RPWS ghi lại được số lượng lớn các hạt vật chất, thể hiện qua những tiếng lạo xạo trong video.

Những hình ảnh cận cảnh mới

Nhiều hình ảnh mới về sao Thổ được tàu Cassini gửi về Trái Đất.
Nhiều hình ảnh mới về sao Thổ được tàu Cassini gửi về Trái Đất. (Ảnh: NASA).

Từ cuối tháng 11 năm ngoái, tàu Cassini bắt đầu thực hiện các cuộc bổ nhào xuống sao Thổ trong chuỗi nhiệm vụ cuối cùng nhằm ghi lại những hình ảnh từ nhiều góc nhìn mới về hành tinh này.

"Đây là khởi đầu cho sự kết thúc hành trình lịch sử khám phá sao Thổ. Hãy để những hình ảnh này - và cả những hình ảnh sắp tới - nhắc nhở rằng chúng ta đã thực hiện một chuyến phiêu lưu táo bạo xung quanh hành tinh tráng lệ nhất hệ Mặt Trời", Carolyn Porco nói.

Khi Cassini ngày càng tới gần sao Thổ, NASA sẽ nhận được những hình ảnh hoàn toàn mới. Trong khoảnh khắc cuối cùng lao xuống sao Thổ, con tàu vẫn sẽ ghi lại những thông tin quý giá về khí quyển của hành tinh này cho đến khi không thể phát tín hiệu nữa.

Cập nhật: 13/09/2017 Theo VnExpress
  • 2.954