Những loài cây quý vừa được phát hiện ở vùng rừng Quảng Trị

  •  
  • 235

Những loài cây vừa được các nhà khoa học, cơ quan chức năng phát hiện ở vùng rừng có độ cao hơn 1.000m của tỉnh Quảng Trị, có ý nghĩa cho khoa học bảo tồn và sinh kế địa phương.

Ngày 6//9, Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ thông tin, đơn vị vừa phát hiện một quần thể thông tre lá dài, chè cổ hoang dã và cây lệ dương trong khi tiến hành điều tra rừng.

Theo đó, từ ngày 2/9, cán bộ trung tâm cùng các đơn vị thực hiện điều tra rừng và đo đếm carbon rừng tự nhiên trên diện tích khoảng 700 héc ta rừng cộng đồng tại thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị).

Cây thông tre lá dài là loại cây gỗ lớn
Cây thông tre lá dài là loại cây gỗ lớn, thường mọc rải rác ở rừng kín thường xanh, núi đất và núi đá, đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam.

Đoàn phát hiện quần thể khoảng 20 héc ta cây thông tre lá dài, có cây đường kính lên đến 90cm. Được biết, thông tre lá dài, thuộc họ Kim giao (Bách niên tùng) có tên khoa học là Podocarpus nerifolius. Cây thông tre lá dài là loại cây gỗ lớn, thường mọc rải rác ở rừng kín thường xanh, núi đất và núi đá và đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam (2007), Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam (2006) ở mức sắp bị nguy cấp (VU), cần được bảo vệ.

Theo cán bộ Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ, thông tre lá dài là loài sinh trưởng rất chậm, với những cây đường kính 90 cm ước chừng độ tuổi có thể lên đến 500 năm tuổi. Loại cây này có phân bố ở vùng Bắc Hướng Hóa và huyện Đakrông nhưng không tập trung.

Ở vùng rừng có độ cao hơn 1.000m, đoàn phát hiện quần thể khoảng 500 cá thể chè cổ hoang dã trên diện tích khoảng 20 héc ta. Người dân địa phương cho biết, thường lên rừng hái loại chè này về sử dụng và áng chừng cây có tuổi đời khoảng 100 năm.


Cây lệ dương không chỉ có tính thẩm mỹ mà còn được biết đến là dược liệu quý (ảnh: internet).

Cùng với đó, đoàn cũng phát hiện quần thể cây lệ dương. Loài cây này không chỉ có tính thẩm mỹ mà còn được biết đến là dược liệu quý. Cây lệ dương chủ yếu phân bố ở Tây Bắc Việt Nam nơi có độ cao hơn 1.000m.

Cập nhật: 07/09/2024 SKĐS
  • 235