Những loài động vật gây nhiều ca bệnh dại trên người bạn nên biết

  •  
  • 112

Chó, mèo, khỉ, chuột, dơi được ghi nhận gây ra nhiều ca bệnh dại trên người tại Việt Nam và trên toàn cầu.

Chó

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, chó cắn gây ra 96% các trường hợp gây bệnh dại ở người tại Đông Nam Á. Tại Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm 2024 có 65 ca tử vong do dại, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2023. Lý do chủ yếu là người bị chó cắn có tâm lý chủ quan, cho rằng chó nhà cắn không gây bệnh hoặc không cần tiêm ngừa khi chưa biểu hiện triệu chứng bệnh dại.

Mèo

Cũng theo Cục Y tế dự phòng, mèo gây ra khoảng 3-4% ca bệnh dại tại Việt Nam. Mèo có thể lây truyền dại cho người thông qua các vết cắn, cào hoặc liếm vào vết thương hở. Năm 2023, các mẫu xét nghiệm giám sát cho thấy số ca bệnh dại do mèo cắn tăng nhiều lần so với các năm trước đó, chiếm khoảng 10%.

 Vết thương do chó cắn có nguy cơ nhiễm dại cao.
Vết thương do chó cắn có nguy cơ nhiễm dại cao. (Ảnh: Vecteezy).

Khỉ

Khỉ cũng mang virus dại, mầm bệnh tồn tại nhiều trong nước bọt của con vật, có thể lây sang người thông qua vết cào. Người đi du lịch nơi hoang dã, tham quan các vườn thú có nguy cơ bị khỉ cào, cắn cao khi trêu đùa hoặc khiêu khích con vật.

Chuột

Bác sĩ Phạm Hồng Thuyết, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết các con vật này hiếm gây ra ca bệnh dại, tuy nhiên không loại trừ được nguy cơ bệnh. Ngoài ra, vết thương do chuột cắn cũng có thể gây bệnh uốn ván và chuột là nguồn lây bệnh dịch hạch cho người.

Dơi

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, hơn 90% trường hợp mắc bệnh dại ở nước này có nguồn lây từ động vật hoang dã, đứng đầu là loài dơi. Khoảng 7 trong số 10 người Mỹ tử vong do dại nhiễm dại từ loài động vật này.

Người dân tiêm vaccine phòng dại tại VNVC.
Người dân tiêm vaccine phòng dại tại VNVC. (Ảnh: VNVC).

Dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên, lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật mang mầm bệnh. Các biểu hiện lâm sàng trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Thuyết cho biết dại không có thuốc điều trị đặc hiệu. Vaccine và huyết thanh là cách phòng bệnh duy nhất hiện có.

Để loại trừ nguy cơ bệnh dại sau khi bị động vật tấn công, người dân cần vệ sinh vết thương đúng cách theo các bước: xối rửa vết thương dưới vòi nước sạch và xà phòng trong vòng 15 phút, sau đó rửa lại bằng cồn 45-70 độ hoặc cồn iod; sử dụng các loại dầu gội, sữa tắm để rửa vết thương nếu không có xà phòng. Sau đó, đến các trung tâm tiêm chủng để được tư vấn tiêm ngừa càng sớm càng tốt.

Người lần đầu tiêm ngừa dại, phác đồ 5 mũi, bổ sung hai mũi vào các lần bị thương sau. Vaccine dại có thể tiêm dự phòng trước khi có vết thương, phác đồ gồm ba mũi, không cần sử dụng huyết thanh; tiêm thêm hai mũi mỗi lần bị động vật cào, cắn.

Cập nhật: 28/10/2024 VnExpress
  • 112