Những người có trái tim bên phải

  •   3,813
  • 30.056

Con người vẫn sống khỏe mạnh với nhiều cơ quan nội tạng đảo lộn vị trí và sống với tim bên phải cũng không phải là chuyện khó khăn cho lắm.

Những người có trái tim đặt nhầm chỗ

Tháng 9-1998, cụ Lê Thị Cơ người ấp Nhị Tân (xã Tân Thới Nhì, Hóc Môn, TP HCM) bị ốm. Cụ được đưa đến Bệnh viện Thống Nhất điều trị. Cụ Cơ năm ấy thọ 118 tuổi, người được coi là cao tuổi nhất nước ta còn sống, đồng thời cũng là một trong mấy người thọ nhất thế giới.

Cụ đã sống hơn một thế kỷ khỏe mạnh, không đến cơ quan y tế khám chữa bệnh lần nào. Đây là lần đầu tiên cụ đến bệnh viện và qua thăm khám, các bác sĩ đã bất ngờ phát hiện thấy các phủ tạng của cụ được sắp xếp đảo lộn hoàn toàn. Tim và dạ dày đáng lẽ nằm ở bên trái thì lại chuyển sang bên phải, lá lách cũng nằm bên phải, còn buồng gan ở bên phải lại chuyển sang bên trái.

Những người có trái tim bên phải

Như vậy, cụ Cơ đã sống hơn thế kỷ khỏe mạnh, lao động và sinh hoạt bình thường, không hề hay biết gì về hiện tượng đảo lộn vị trí của các cơ quan nội tạng này. Vì cụ là người cao tuổi nhất nước nên phát hiện lạ lùng trên được mọi người đặc biệt quan tâm.

Đây là một trường hợp hiếm gặp, nhưng không phải kỳ lạ vì nó đã được y học biết đến từ lâu, đã tìm hiểu, nghiên cứu kỹ và được coi là những người bình thường về phương diện sinh lý học.

Vào những thế kỷ trước, khi y học còn chưa phát triển, chỉ riêng chuyện trái tim nằm bên phải lồng ngực đã được coi là kỳ lạ, nó thuộc về một “thế giới bí ẩn” mà con người không hiểu nổi.

Hiện tượng này được phát hiện từ năm 1606 trong một công trình nghiên cứu của Fabius, nhưng suốt thế kỷ 17 người ta cũng chỉ ghi nhận được 3 trường hợp, trong đó có hoàng hậu nước Pháp là Marie de Médicis (1573 - 1642) và xung quanh những nhân vật này, người ta đã xây dựng bao huyền thoại. Các nhà y học gọi hiện tượng này là “dextrocardia”, nghĩa là “trái tim nằm bên phải”.

Từ thế kỷ 19, nhờ những thiết bị y học ngày càng tinh xảo, người ta có thể phát hiện được những quả tim nằm không đúng chỗ một cách dễ dàng và nhận thấy những người có trái tim nằm bên phải lồng ngực không phải hiếm.

Trái tim nằm bên phải là do quá trình hình thành bào thai, tạng xoay theo chiều kim đồng hồ, trường hợp trái tim nằm bên phải là do tạng dừng lại ở điểm 180 độ hoặc 270 độ (thông thường là 360 độ). Y văn nói đây là một hiện tượng bẩm sinh không phải là hiện tượng di truyền. Theo thống kê ở Mỹ thì cứ 10.000 người lại có 1 người có tim nằm bên phải. Ở Sri Lanka, tỉ lệ này khoảng 2/10.000 người.

Hiện nay riêng ở Singapore, một đất nước nhỏ bé vùng Đông Nam Á, đã có khoảng 0,1% dân số đang sống với trái tim ở bên phải lồng ngực. Hầu hết những người này đều khỏe mạnh bình thường. Họ chỉ tình cờ phát hiện thấy vị trí khác thường của trái tim nhân một lần khám sức khỏe hoặc chụp X-quang lồng ngực nào đó.

Hiện tượng đảo lộn vị trí “Situs inversus” các cơ quan nội tạng của cơ thể đã làm đau đầu nhiều nhà khoa học. Từ lâu, các nhà y học đã quan tâm nghiên cứu hiện tượng này và nhận thấy có mối tương quan vị trí giữa 3 cơ quan tim, gan và dạ dày.

Cho đến nay, người ta thấy có 3 kiểu sắp xếp vị trí khác nhau:

  • Kiểu thứ nhất là tim và dạ dày ở bên trái, gan ở bên phải như hầu hết con người bình thường hiện nay.
  • Kiểu thứ hai là tim, gan, dạ dày được xắp xếp vị trí đảo lộn lại giống như khi chúng được nhìn trong một tấm gương soi, nghĩa là tim và dạ dày ở bên phải còn gan ở bên trái. Mối tương quan vị trí của 3 cơ quan này vẫn hoàn toàn bình thường, do đó người mang chúng cũng được xem là người bình thường về mặt sinh lý học. Những người có trái tim nằm bên phải vẫn sống khỏe mạnh đến già đều thuộc loại này.
  •  Kiểu thứ ba là tim, gan và dạ dày không nằm ở những vị trí phù hợp với nhau. Đây là những trường hợp bệnh lý cần phải điều trị và phải điều trị sớm để tránh những rối loạn nghiêm trọng có thể xảy ra cho cơ thể. Đối với những trường hợp này, người ta phải làm phẫu thuật sắp xếp vị trí của chúng theo kiểu thứ nhất hoặc thứ hai, nghĩa là trái tim có thể nằm bên trái hay bên phải nhưng phù hợp với vị trí của dạ dày và gan
Tổng hợp
  • 3,813
  • 30.056