Những sát thủ từng thống trị trời xanh

  •  
  • 3.746

Cách đây hàng triệu năm, chim có răng, thằn lằn bay và siêu côn trùng là những vị chúa tể trên bầu trời. Chúng ăn mọi loài vật, từ ruồi tới khủng long.

Chim có răng

Ảnh minh họa chim có răng của Ludger Bollen

Ảnh minh họa chim có răng của Ludger Bollen.

Chim khổng lồ Dasornis emuinus – từng sống trên trái đất cách đây khoảng 50 triệu năm - có hình dáng giống ngỗng trời với sải cánh khoảng 5 mét. Chúng bay lượn phía trên biển để săn cá và mực ống. Một trong những điểm độc đáo của Dasornis emuinus là chúng có nhiều thứ sắc nhọn giống như răng ở rìa mỏ. Những răng giả này được tạo nên bởi keratin - chất làm nêǹ tóc và móng tay của người. Với những răng giả ấy, Dasornis emuinus có thể giữ chặt những con mồi trơn tuột.

Siêu côn trùng

Ảnh minh họa chuồn chuồn cổ đại có sải cánh 70 cm. Ảnh:
Ảnh minh họa chuồn chuồn cổ đại Meganeuropsis permiana có sải cánh 70 cm. Ảnh: Dodoni.

Cách đây chừng 300 triệu năm tỷ lệ oxy trong khí quyển là 35% (lớn hơn rất nhiều so với mức̣ 21% ngày nay. Tình trạng đó khiến nhiều loài côn trùng – những sinh vật lấy oxy vào cơ thể thông qua một mạng lưới các mao quản – đạt được kích cỡ to lớn. Loài côn trùng lớn nhất mà giới khoa học từng phát hiện có tên Meganeuropsis permiana. Tuy là tổ tiên của chuồn chuồn, song loài này có sải cánh lên tới 70 cm và nặng bằng loài quạ. Chúng tung hoành phía trên các đầm lầy để săn bắt động vật lưỡng cư và ruồi.

Đại bàng New Zealand

Ảnh minh họa đại bàng Haast's bắt con moa - loài chim chạy cao gấp đôi người trưởng thành. Ảnh:
Ảnh minh họa đại bàng Haast's bắt con moa - loài chim chạy cao gấp đôi người trưởng thành. Ảnh: Ken W. S. Ashwell.

Đại bàng Haast’s (Harpagornis moorei) là chúa tể tại New Zealand trước khi con người đặt chân tới đây. Sải cánh của những con chim này chỉ vào khoảng 3 mét, song với trọng lượng tới 18 kg, chúng nặng hơn mọi loài đại bàng từng sống trên trái đất. Đại bàng Haast’s có khả năng hạ gục moa – một loài chim chỉ biết chạy và cao gấp đôi người trưởng thành (nay đã tuyệt chủng). Theo các nhà khoa học, những sát thủ này thường nấp trên tán cây cao rồi lao xuống con mồi với tốc độ cực lớn khiến mục tiêu hầu như không có cơ hội thoát thân.

Bò sát khổng lồ có cánh

Ảnh minh họa thằn lằn bay bắt khủng long con. Ảnh:
Ảnh minh họa thằn lằn bay bắt khủng long con. Ảnh: Mark Witton và Darren Naish.

Những động vật bò sát chân dài Azhdarchids từng gieo rắc kinh hoàng cho muôn loài cách đây 65-100 triệu năm. Với chiều cao bằng hươu cao cổ, chúng bay lượn nhờ những cánh có màng. Theo Newscientist, nếu sải hết cỡ cánh của chúng có thể dài tới 10 m. Động vật bò sát bay dùng cả hai chân sau và cánh để bay lên. Có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết Azhdarchids là họ hàng gần gũi của cá sấu.

Theo một nghiên cứu gần đây, Azhdarchids thường bước trên mặt đất để kiếm mồi giống như cò. Chúng thường ăn khủng long con.

Chim có sải cánh 7 m

Ảnh minh họa chim
Ảnh minh họa chim Argentavis magnificens của Stanton F. Fink.

Loài chim Argentavis magnificens từng sống trên địa cầu cách đây khoảng 6 triệu năm. Người ta tìm thấy hóa thạch xương của chúng tại những cánh đồng mênh mông ở Argentina và dưới chân dãy núi Andes. Sải cánh của chúng lên tới 7 met – tương đương chiều dài cánh của những máy bay loại nhỏ.

Do trọng lượng cơ thể quá lớn nên Argentavis magnificens không thể giữ thăng bằng liên tục trên không bằng cách vỗ cánh. Thay vào đó chúng phải thường xuyên chao lượn để tận dụng lực nâng của các luồng không khí. Để cất cánh chúng chạy xuống một sườn dốc rồi nhảy lên, đồng thời đập cánh thật mạnh.

Khi hạ cánh, Argentavis magnificens phải duỗi thẳng chân để giảm tốc độ. Sau đó hai cánh của chúng dang rộng để̉ gây nên lực cản giống như nhảy dù.

Newscientist cho rằng rất có thể Argentavis magnificens có quan hệ họ hàng với kền kền và cò ngày nay.

Theo VnExpress
  • 3.746