Công trình kiến trúc có bề ngang 11m, có niên đại 25.000 năm tuổi, được lắp ghép từ hơn 60 bộ xương voi Ma mút đã được phát hiện gần Moscow, Nga.
Các nhà khảo cổ chưa xác định được công trình được sử dụng cho mục đích trú ẩn, tôn giáo hay nghi lễ.
Một nghiên cứu được công bố bởi Tiến sĩ Alexander JE Pryor, Đại học Southampton, Anh, cho biết, các nhà khảo cổ đã phát hiện tại địa điểm khảo cổ được gọi là Kostenki 11, ngoại ô Moscow, Nga một cấu trúc hình tròn rộng 11m, được làm chủ yếu bằng xương voi Ma mút.
Công trình khả năng được dựng lên bởi một nhóm người săn bắn hái lượm, cho nhu cầu định cư trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Theo công bố, công trình kiến trúc cổ đại có niên đại khoảng 25.000 năm trước, là một trong những công trình kiến trúc nhân tạo lâu đời nhất từng được tìm thấy ở Nga ngày nay.
Mô hình ngôi nhà cổ đại bằng xương voi Ma mút. (Nguồn: Pinterest).
Cấu trúc được xây dựng từ hơn 60 bộ xương voi Ma mút, trong đó các nhà khảo cổ đã khai quật được tổng cộng 51 chiếc hàm dưới và hơn 60 hộp sọ riêng lẻ của voi ma mút.
Bằng chứng về sự hiện diện của con người bên trong công trình đã được tìm thấy với những mẫu than củi, gỗ cháy dở và một số công cụ bằng đá.
Hình ảnh khu khảo cổ nơi tìm thấy cấu trúc xương của voi ma mút. (Ảnh: Alex Pryor).
Mục đích chính xác của cấu trúc vẫn còn là điều bí ẩn. Các nhà khảo cổ học giả thuyết rằng, nó có thể được sử dụng cho mục đích trú ẩn, tôn giáo hoặc nghi lễ. Tuy nhiên với cấu tạo có một lỗ hổng lớn ở mái, các nhà nghiên cứu ngờ rằng, khả năng đó là một nhà kho trữ thực phẩm và công cụ lao động, bởi không phù hợp để ở.
Theo tiết lộ của các chuyên gia, Kỷ Băng hà cuối cùng trên Trái đất quét qua các khu vực phía bắc của Châu Âu từ 75.000 - 18.000 năm trước, đạt đến giai đoạn lạnh nhất, khắc nghiệt nhất trong khoảng từ 23.000 đến 18.000 năm trước. Thời kỳ này dường như hoàn toàn trùng khớp với quá trình xây dựng cấu trúc xương của voi ma mút tại địa điểm Kosteski 11.