Những sự kiện khoa học hàng đầu năm 2005

  •  
  • 820

Đến hẹn lại lên, tạp chí Livescience đã giới thiệu 10 câu chuyện khoa học hàng đầu trong năm 2005, từ công nghệ nano, giải mã gien cho tới bảo vệ nền văn minh Trái đất trước tiểu hành tinh...

1. Trong thế giới công nghệ nano

Trong thế giới công nghệ nano, các kỹ sư đã tạo ra những cỗ máy tí hon trong năm 2005. Các nhóm nghiên cứu khác nhau đã tạo ra những chiếc ôtô, robot, tủ lạnh và bút máy nhỏ nhất thế giới.

Hy vọng của họ là những cố máy này, vô hình đối với mắt thường, một ngày nào đó sẽ được sử dụng để đưa thuốc vào tế bào nhằm phá huỷ tế bào ung thư hoặc chữa bệnh. Trong một diễn biến mới, các nhà khoa học đã tích hợp vi khuẩn với máy móc lần đầu tiên, tạo ra những loại vi khuẩn mạ vàng, dò được độ ẩm.

2.Thế giới đang nóng lên

Chúng ta có thể ngừng tranh cãi về việc liệu khí hậu có đang thay đổi hay không. Hiện có rất nhiều bằng chứng, từ việc các sông băng đang thu hẹp, các mũ băng ở vùng cực tan chảy và nước biển tăng gấp hai lần so với mức kỷ nguyên tiền công nghiệp. Cách thức di cư và giao phối của động vật đang thay đổi. 2005 là năm nóng nhất, khô nhất và nhiều bão nhất. Câu hỏi lớn là tự nhiên đã gây ra bao nhiêu phần trăm của xu hướng này và khí thải nhà kính đóng góp bao nhiêu.

Trong khi đó một loạt nghiên cứu đã đưa ra dự báo ảm đạm: chắc chắn nhiệt độ tiếp tục tăng và các đường bờ biển sẽ bị ngập trong thế kỷ tới. Thế giới cũng sẽ gánh chịu những cơn bão mạnh hơn, hạn hán khốc liệt hơn, bệnh dị ứng tăng vọt, mùa hè ở Bắc Cực không còn băng...Trước thực trạng này, hơn 150 quốc gia tham dự Hội nghị về thay đổi khí hậu đã cam kết giải quyết vấn đề này song vẫn không có sự tham gia của Mỹ.

3.Tự vệ trước thiên thạch

Bắn phá Tempel

Một ngày nào đó con người sẽ phải đối phó với một tiểu hành tinh hoặc sao chổi đang trên đường lao vào Trái đất. Trong trường hợp tồi tệ nhất, chúng sẽ huỷ diệt nền văn minh hoặc chí ít cũng tàn phá một thành phố nào đó. Những vụ va chạm lớn đã xảy ra trước đây và sẽ còn nhiều vụ nữa. Tuy nhiên, con người chưa biết nhiều về các tiểu hành tinh cũng như cấu trúc của chúng để lên kế hoạch làm chệch hướng hoặc phá huỷ.

Một bước ngoặt lớn đã xảy ra khi phi thuyền Deep Impact của NASA phóng một viên đạn đồng vào sao chổi Tempel 1 vào ngày 4/7. Trong khi đó, một nhóm các phi hành gia và nhà khoa học đã hối thúc NASA thăm dò tiểu hành tinh Apophis - thiên thể có khả năng va chạm với Trái đất trong vài chục năm nữa. Phản ứng của NASA: có thể phóng phi thuyền thăm dò song chúng ta vẫn còn nhiều thời gian để làm chệch hướng Apophis nếu quan sát cho thấy chắc chắn nó sẽ lao vào Trái đất.

4. Dấu hiệu của sự sống trên Hoả tinh

Câu chuyện này đưa chúng ta trở lại năm 2004 và nghe có vẻ như là một bí ẩn mà sẽ làm các nhà khoa học bối rối trong nhiều năm tới. Đầu năm 2005, các nhà thiên văn châu Âu cho biết không khí trên Hoả tinh dường như có một ít methane. Có lẽ đây là loại khí do các vi trùng sống ở gần bề mặt hành tinh này tạo ra. Mới đây, họ làm cho quan điểm trên mạnh hơn với bằng chứng mới về các khối băng bị chôn vùi ở những vùng có methane. Băng có thể cung cấp nguồn nước lỏng quý giá, cần để hỗ trợ cho sinh vật. Tuy nhiên, các nhà khoa học khác thì cho rằng lập luận trên mang tính suy đoán.

5.Phát hiện hành tinh ngoài Thái dương hệ

Các nhà thiên văn mong đợi tìm ra nhiều hành tinh có kích cỡ bằng Trái đất, tồn tại quanh những ngôi sao khác. Tuy nhiên, công nghệ hiện chưa thể phát hiện được những thiên thể nhỏ như vậy. Đẩy lùi giới hạn của những phương pháp hiện nay, các nhà nghiên cứu đã dò thấy một hành tinh có khối lượng chỉ bằng 7,5 lần Trái đất, đang di chuyển quanh một ngôi sao. Họ cho rằng hành tinh này có cấu tạo toàn bằng đá. 2005 đánh dấu 10 năm kể từ khi phát hiện ra hành tinh đầu tiên ngoài Thái dương hệ. Cho tới nay, giới thiên văn đã tập hợp được đủ dữ liệu về khoảng 150 hành tinh.

6.Giải mã phần mềm của sự sống 

2005 là một năm tuyệt vời đối với lĩnh vực giải mã gien. Các nhà khoa học đã giải mã được ADN của tinh tinh, họ hàng thân thiết nhất của con người. Những kết quả nghiên cứu như vậy đang trở nên quen thuộc tới mức không mấy ai chú ý tới sự kiện bộ gien lúa cũng được giải mã. Giờ giới khoa học đang nghiên cứu ADN của người và họ tiết lộ các cặp sinh đôi giống hệt nhau thực ra không hoàn toàn giống hệt. Các nhà nghiên cứu khác thì thông báo khoảng 9% gien người đang tiến hoá nhanh.

7.Hướng tới sự bất tử

Nhà nghiên cứu lập dị Aubrey de Gray cho rằng có thể ngăn chặn được tuổi già. Ông cũng là người điều hành Giải thưởng chuột Methuselah. Mục đích của giải thưởng này là thúc đẩy những tiến bộ trong việc kéo dài tuổi thọ của chuột, từ đó làm chậm lại sự lão hoá của con người. Ngân quỹ của Giải thưởng đã vượt quá 1 triệu đôla trong năm 2005.

Một nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng việc tích tụ các ADN đột biến gây ra lão hoá ở chuột. Một nghiên cứu khác phát hiện kích thích một gien nhất định ở chuột dường như có tác dụng trì hoãn quá trình suy yếu xương, tắc nghẽn động mạch và mất cơ. Y học hiện đại cũng đang giúp con người tăng tuổi thọ. Ray Kurzweil, một nhà khoa học máy tính dự định sống lâu trăm tuổi bằng cách uống 250 loại chất bổ sung cũng như uống nhiều nước kiềm và trà xanh.

8.Tái tạo con người

Các nhà khoa học đã làm cho khỉ sử dụng ý nghĩ để điều khiển một cánh tay máy thông qua một máy tính gắn với não. Nghiên cứu cho thấy lũ khỉ đã coi thiết bị này như là một bộ phận cơ thể tự nhiên. Trong khi đó, quân đội Mỹ cho biết sẽ ưu tiên chế tạo chân tay giả. Các nhà khoa học khác thì đang tập trung chế tạo mắt điện tử.... Tuy vậy, những nghiên cứu này đã bị lu mờ bởi ca ghép mặt đầu tiên trên thế giới, được tiến hành tại Pháp. 

9. Sự ra đời của lỗ đen

Trong năm 2005, ánh sáng từ một vụ nổ cách đây 2,2 tỷ năm tới tới được Trái đất. Một loạt kính thiên văn mặt đất và vũ trụ đã dò thấy và giám sát thứ ánh sáng này. Các nhà khoa học nghi ngờ họ đã nhìn thấy sự ra đời của một lỗ đen, đúng như nó đã xảy ra cách đây 2,2 tỷ năm. Vụ nổ xảy ra khi hai ngôi sao neutron hợp nhất với nhau.

10.Siêu bão trở thành hiện thực

Mùa bão bận rộn nhất trong lịch sử đã ghi nhận cơn bão mạnh nhất ở Đại Tây dương. Trong khi đó các nhà khoa học đã cung cấp bằng chứng vững chắc đầu tiên: sự ấm lên của Trái đất có lẽ là tác nhân tạo ra những cơn bão mạnh hơn. Có nhiều cơn bão mạnh nhưng đáng nhớ nhất và hãi hùng nhất vẫn là bão Katrina. Katrina đổ bộ vào nước Mỹ và tàn phá New Orleans. Sức mạnh của thiên nhiên đã buộc các nhà chức trách và giới khoa học đánh giá lại sự chuẩn bị của con người đối với thiên tai.

Minh Sơn

Theo VietNamNet
  • 820