Những thắc mắc thường gặp về cúm H1N1

  •  
  • 266

Đến viện xin xét nghiệm H1N1 dù mới chỉ có biểu hiện sốt, tự mua vitamin C để uống hay khẩu trang để phòng bệnh... Nhiều người dân đang tự trang bị để phòng dịch. Các chuyên gia của Sở Y tế Hà Nội đã giải đáp những thắc thắc quanh việc phòng bệnh này.

1. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau họng, đau đầu..., nghi là nhiễm H1N1, người dân nên đi khám ở đâu?

- Người dân có thể đến bất cứ cơ sở y tế nào khám và sẽ được nhân viên y tế tư vấn đầy đủ. Nếu người này có nguy cơ như đi từ vùng dịch về, tiếp xúc với những người bị cúm H1N1 thì sẽ được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm. Còn nếu không thì chỉ cần chữa trị như cúm thường và theo dõi tiếp tại nhà.

Đặc biệt, những người mắc bệnh mãn tính (bệnh tim mạch, hen, lao phổi, tiểu đường, béo phì, suy dinh dưỡng, bệnh nhân AIDS...), phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần đặc biệt quan tâm tới tình trạng sức khỏe của mình, tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh. Khi có biểu hiện bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chữa kịp thời, hạn chế biến chứng nặng và tử vong. 

Học sinh trường Nguyễn Khuyến, TP HCM, đeo khẩu trang trong giờ học. (Ảnh: Thiên Chương)

2. Một người bình thường muốn đi xét nghiệm xem có bị cúm H1N1 không thì đến đâu?

- Việc xét nghiệm cúm H1N1 không phải bệnh viện nào cũng thực hiện được, hơn nữa lại rất tốn kém, vì thế không phải bất cứ ai có biểu hiện nghi ngờ cúm muốn xét nghiệm là được. Chỉ những người thấy có nguy cơ cao thì sẽ được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm miễn phí.

3. Tự mua một số thuốc hỗ trợ như vitamin C về uống, liệu có tác dụng gì không?

- Thực tế, việc có bị mắc bệnh hay bệnh trở nặng hay không phụ thuộc nhiều vào thể trạng, sức đề kháng của người bệnh. Vì thế ngành y tế vẫn khuyến cáo người dân nên tăng cường sức khỏe cho bản thân để phòng bệnh, uống các loại vitamin cũng là một cách nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

Tuy nhiên, người dân không nên tự ý mua và sử dụng thuốc kháng virus (Tamiflu) khi chưa có chỉ định của cán bộ y tế để tránh tình trạng kháng thuốc cũng như bệnh chuyển biến nặng.

4. Để phòng bệnh tại nhà cần thực hiện những biện pháp gì?

- Người dân cần thực hiện đúng các khuyến cáo của ngành y tế trong giai đoạn này như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, vệ sinh môi trường, lau chùi bề mặt, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường, che miệng khi bị ho, không khạc nhổ bừa bãi.

Tại nhà hoặc nơi làm việc thì không nên mở điều hòa, mà mở cửa sổ cho thông thoáng vì virus H1N1 có thể sống rất lâu trong môi trường lạnh, nhưng chỉ tồn tại vài giờ nếu gặp nắng gắt.

5. Người dân nên mua loại khẩu trang nào để phòng tránh lây nhiễm cúm?

- Có thể mua khẩu trang y tế, loại 3 lớp ở các hiệu thuốc, nơi bán trang thiết bị y tế. Đây là khẩu trang chỉ dùng một lần, nhưng nếu chỉ mua về cho cá nhân dùng một mình, không vào vùng dịch thì không cần thay cái mới. Đây là khẩu trang giấy, không thể giặt được.

6. Những người từng vào các tòa nhà có nhân viên nhiễm cúm mà không đeo khẩu trang thì có cần tự cách ly ở nhà không?

- Tòa nhà này đã khử trùng sạch sẽ vì thế hạn chế rất lớn sự lây lan. Những ai vào tòa nhà chỉ cần tự theo dõi thôi.

7. Nhân viên làm việc trong tòa nhà có bệnh nhân cúm đeo khẩu trang tại cơ quan. Vậy khi về gia đình có cần đeo khẩu trang không?

- Điều này là không cần thiết, chỉ trừ những trường hợp đã tiếp xúc gần với người bệnh thì nên đeo.

Theo Nam Phương - Vnexpress
  • 266