Những tín hiệu bí mật của mồ hôi người (Phần 2)

  •  
  • 970

Một số nhà khoa học lo ngại rằng nếu ai đó tổng hợp được những pheromone gây cảm giác sợ hãi, anh ta có thể khiến một đội quân hùng hậu chạy tán loạn như đám bò điên mà không cần nổ súng.
> Phần 1 

Ảnh: Corbis.com


Johan Lundstrom, một chuyên gia tâm lý thần kinh làm việc tại Trung tâm nghiên cứu các giác quan hóa học Monell ở Philadelphia, Mỹ thực hiện nhiều thử nghiệm để chứng minh rằng phụ nữ có thể nhận ra chị hoặc em gái của họ trong một nhóm người thông qua mùi trên cơ thể.

Tuy nhiên, bản thân những phụ nữ đó thừa nhận họ không thể nói rõ sự khác biệt giữa mùi của chị hoặc em gái họ và mùi trên cơ thể người lạ. Nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, bản năng mách bảo phụ nữ chọn người đàn ông tương thích về gene với họ làm bạn đời. Sự tương thích về mặt di truyền thể hiện qua mùi cơ thể của người đàn ông và bằng cách nào đó phụ nữ có khả năng cảm nhận được sự tương thích ấy.

Với Johan, đó là bằng chứng đáng thuyết phục về sự tồn tại của pheromone trên cơ thể người. “Nếu bạn hỏi các nhà khoa học rằng liệu con người có thể phát đi một số dạng thông điệp xã hội thông qua mùi cơ thể hay không, 99,9% họ sẽ trả lời là có. Song nếu bạn hỏi họ rằng con người có pheromone hay không họ sẽ đáp lại rằng điều đó chưa được chứng minh”,
ông nói.

Nhưng thực tế sẽ thay đổi sau khi người ta phát hiện một số động vật dùng cơ quan khứu giác thông thường để nhận dạng pheromone thay vì hai lỗ mũi phụ. Chẳng hạn, một thử nghiệm gần đây cho thấy chuột phát hiện các pheromone cảnh báo nguy hiểm của đồng loại nhờ một số tế bào ở đầu mũi được kết nối với hệ thống khứu giác của chúng.

Nhiều nghiên cứu về não cũng làm sống lại giả thiết về việc con người có phản ứng với những pheromone giới tính. Trong hàng loạt thử nghiệm, nhà khoa học thần kinh Ivanka Savic thuộc Viện Karolinska (Thụy Điển) cho một số người tiếp xúc với androstadienone (dẫn xuất của hoóc môn giới tính nam) và dùng kỹ thuật chụp cắt lớp để theo dõi hoạt động của vùng hypothalamus ở phía trước (khu vực xử lý hành vi tình dục trong não).

Ivanka nhận thấy androstadienone kích hoạt vùng hypothalamus ở nam giới đồng tính và phụ nữ bình thường, nhưng không có tác dụng gì đối với phụ nữ đồng tính và nam giới bình thường. Sau đó bà phát hiện ra tác dụng trái ngược khi sử dụng estratetraenol (dẫn xuất của hoóc môn giới tính nữ).

Các nhà khoa học cũng đưa ra bằng chứng về việc con người giải phóng ra những pheromone cảnh báo và cũng có phản ứng đối với chúng. Một số thử nghiệm tâm lý cho thấy chúng ta có thể nhận ra mùi của cảm giác sợ hãi. Năm 1999, nhà tâm lý Denise Chen thuộc Đại học Rice ở thành phố Houston (bang Texas, Mỹ) cho một số tình nguyện viên xem phim hài và phim kinh dị. Sau đó bà yêu cầu một số sinh viên ngửi mồ hôi của những người xem phim. Hơn một nửa số sinh viên nhận ra những người xem phim kinh dị mặc dù họ không nói lên được sự khác biệt giữa các mẫu mồ hôi.

Trong một thí nghiệm tương tự vào năm 2002, tiến sĩ tâm lý Kerstin Ackerl của Đại học Vienna (Áo) chứng minh rằng phụ nữ có khả năng phát hiện mùi sợ hãi. Ông yêu cầu 60 phụ nữ ngửi mùi mồ hôi của những người vừa xem phim kinh dị và phim tâm lý. Phần lớn phụ nữ tham gia thí nghiệm khẳng định mồ hôi của người xem phim kinh dị có mùi mạnh và khó chịu hơn so với mồ hôi của người xem phim tâm lý.

Song những nghiên cứu ấy được tiến hành với số lượng người nhỏ và không đưa ra được các chỉ số định lượng, như mức độ sợ hãi của những người xem phim kinh dị. Để khắc phục những nhược điểm ấy, Lilianne Mujica-Parodi thuộc Đại học Stony Brook ở New York quyết định tìm hiểu tác động trực tiếp của “mùi sợ hãi” đối với não.

Lilianne và các cộng sự gắn những miếng xốp vào cánh tay và nách của 40 vận động viên nhảy dù trước khi họ thực hiện cú nhảy đầu tiên. Sau khi nhóm tình nguyện viên hoàn thành cú nhảy, các chuyên gia thu hồi những miếng xốp để lấy mồ hôi. Họ cũng tiến hành phỏng vấn để phân loại những người cảm thấy sợ hãi khi lơ lửng trong không trung.

Các nhà khoa học yêu cầu một nhóm tình nguyện viên thứ hai (gồm cả nam và nữ) ngửi các mẫu mồ hôi. Trong lúc nhóm tình nguyện viên ngửi mồ hôi, nhóm nghiên cứu tiến hành quét não họ. Khi mẫu mồ hôi của những người cảm thấy sợ được đưa ra, vùng não xử lý cảm giác sợ hãi của đa số tình nguyện viên vụt sáng hơn mức bình thường. Điều đó cho thấy não có khả năng nhận dạng những hóa chất gây nên cảm giác sợ trong mồ hôi.

Các phát hiện của Johan Lundstrom, Denise Chen, Kerstin Ackerl, Ivanka Savic và Lilianne Mujica-Parodi bổ sung nhiều bằng chứng đáng giá về việc con người cũng tiết ra và có phản ứng với pheromone như động vật. Thế nhưng nhiều người cảm thấy rằng vẫn còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến pheromone.

Johan Lundstrom cho rằng bí mật chưa lộ diện hoàn toàn vì thiếu một miếng ghép. “Tôi cho rằng quan sát hoạt động của não là việc làm cần thiết, nhưng chưa đủ. Tôi muốn nhìn thấy phản ứng của con người về mặt hành vi khi chúng ta tiếp xúc với pheromone”, ông nói.

Để đưa ra bằng chứng cụ thể, các nhà khoa học phải nhận dạng, tổng hợp các pheromone và tiến hành thử nghiệm để xem chúng có tạo ra bất kỳ sự thay đổi hành vi nào hay không. Chỉ tới lúc đó chúng ta mới có thể khẳng định chắc chắn rằng, pheromone của người thực sự tồn tại.

Đó là mục tiêu khó khăn. Johan cho biết mồ hôi người chứa hơn 2.000 hợp chất hóa học. “Nhận dạng một trong số những hợp chất ấy giống như việc bịt mắt một ai đó, dắt anh ta vào một nơi có hàng nghìn tấm bia rồi yêu cầu anh ta phi tiêu trúng tâm một tấm bia”, Johan ví von.

Nếu các pheromone của người được nhận diện, giới khoa học sẽ tiếp tục tranh cãi về chức năng của chúng. Một số chức năng sẽ được quan tâm hơn cả. Chẳng hạn, bản chất tự nguyện của tình yêu sẽ ra sao nếu các anh chàng bí mật mang lọ xịt pheromone hấp dẫn giới tính tới điểm hẹn hò với các cô gái? Liệu những vũ khí hiện đại của một quân đội có phát huy tác dụng trên chiến trường nếu đối phương sử dụng các pheromone gây nên cảm giác sợ hãi? Một số nhà khoa học lo ngại rằng nếu ai đó tổng hợp được những pheromone gây cảm giác sợ hãi, anh ta có thể khiến một đội quân hùng hậu chạy tán loạn như bò điên mà không cần nổ súng.

Simon Wessely, một chuyên gia tâm thần của Đại học King's College London kiêm cố vấn y tế của quân đội Anh, khẳng định rằng giả thiết trên khó trở thành hiện thực về mặt khoa học. Ông cho biết, trong thập niên 60 một nhóm nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) đã tiêm adrenalin vào cơ thể một số người để gây nên các triệu chứng sợ hãi. Tuy nhiên, những người này chẳng hề cảm thấy sợ khi đối mặt với các tình huống dễ chịu. Điều đó cho thấy môi trường xung quanh có vai trò quan trọng.

Tương tự, Johan cũng nhận thấy phản ứng của phụ nữ đối với androstadienone chỉ trở nên đáng tin cậy nếu có một người đàn ông trong phòng thí nghiệm. Do vậy, có vẻ như chúng ta hoàn toàn có lý khi nói rằng: những tác động do pheromone gây ra tương đối yếu và bị ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố bên ngoài.

Theo VnExpress (Newscientist)
  • 970