Nobel 2012: Nhìn lại và suy ngẫm

  •  
  • 1.701

Mùa Nobel năm nay, cũng như nhiều năm trước, vẫn được xem là mùa vui, là dịp vinh danh xứng đáng nhất những thành tựu khoa học, thành quả sáng tạo và cống hiến đỉnh cao.

Vậy là Mùa Nobel 2012 đã kết thúc. Hồi hộp trong chờ đón, buồn vui trong cảm xúc, trăn trở trong suy tư không chỉ đối với các nhà phân tích, cả với những ai đang quan tâm đến các thành tựu đỉnh cao nhân loại về nghiên cứu, sáng tác và cống hiến.

Trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên như Sinh - Y học; Vật lý; Hoá học, trong Kinh tế học, cũng như trong phạm vi tài năng văn chương và đóng góp to lớn vì một cuộc sống hòa bình và thịnh vượng của các dân tộc trên thế giới.

Phát minh hướng đến con người

Hai nhà vật lý nhận giải Nobel Vật lý 2012.
Hai nhà vật lý nhận giải Nobel Vật lý 2012.

Trong 3 giải Nobel năm nay về khoa học tự nhiên đã có hai giải, Sinh Y và Hoá học dành cho những phát minh vừa có ý nghĩa khoa học cơ bản mới mẻ và đặc sắc nhất, vừa có triển vọng ứng dụng to lớn mang lại niềm tin và hạnh phúc của con người.

Công trình nghiên cứu nhận Giải Nobel Sinh - Y học năm 2012 của 2 nhà khoa học, Shinya Yamanaka và John B. Gurdon, đưa ra những kết quả phát minh mang tính cách mạng trong nhận thức về cơ chế phát triển của tế bào và cơ quan sinh học.

Một hiện tượng lạ lùng và mới mẻ đã được phát hiện: các tế bào trưởng thành, chuyên biệt có thể được can thiệp và lập trình để trở thành các tế bào gốc, chưa trưởng thành và có khả năng phát triển thành tất cả các dạng mô trong cơ thể. Phát minh này mang lại niềm hy vọng lớn cho những người mắc bệnh Alzheimer, Parkinson hay các bệnh khác bằng khả năng thay thế mô.

Trong công trình đạt giải Nobel Hoá học 2012, các nhà khoa học Mỹ Robert Lefkowitz và Brian Kobilka lại phát hiện được chức năng của thụ thể tế bào bắt cặp với protein G, chúng có khả năng cảm nhận các phân tử bên ngoài tế bào, từ đó kích thích sự truyền dẫn tín hiệu, tạo ra phản ứng thích hợp cho tế bào.

Giải Nobel này thuộc phạm trù hóa học, nhưng lại không đóng khung trong lĩnh vực này mà các ứng dụng lại nằm chính trong ngành y tế. Thực vậy, các phát hiện về chức năng của thụ thể sẽ giúp sản xuất ra những loại thuốc tốt hơn, có ít tác dụng phụ hơn. Giải Nobel Hóa học này mang niềm tin và hạnh phúc đến với các bệnh nhân mang những căn bệnh trầm cảm, tiểu đường hay ung thư…

…hướng đến những chuẩn sống cao

Các thành tựu nghiên cứu đạt Giải Nobel Vật lý 2012 của hai nhà khoa học Serge Haroche và David Wineland mở ra cánh cửa cho một kỷ nguyên mới, nghiên cứu và quan sát trực tiếp các hạt lượng tử riêng lẻ mà không phá hủy chúng.

Giải Nobel Hoà Bình 2012 trao tặng Liên minh châu Âu EU.
Giải Nobel Hoà Bình 2012 trao tặng Liên minh châu Âu EU.

Thành tựu đó không dừng lại trong lĩnh vực hiện đại và trừu tượng về vật lý lượng tử, một chuyên ngành vật lý giải thích các hiện tượng ở quy mô nguyên tử hay nhỏ hơn nguyên tử (còn gọi là hạ nguyên tử). Chính nó đã tạo ra những phương pháp đột phá giúp thực hiện những bước đi đầu tiên hướng tới việc tạo nên một loại máy tính siêu nhanh mới dựa trên nguyên lý của lượng tử.

Nghiên cứu của hai nhà vật lý nói trên cũng dẫn đến việc tạo ra những chiếc đồng hồ cực kỳ chính xác, có thể là cơ sở tương lai cho một tiêu chuẩn mới về thời gian, với độ chính xác cao hơn hàng trăm lần so với các đồng hồ hiện nay.

Và Giải Nobel Kinh tế năm 2012 được trao cho cho các nhà nghiên cứu Alvin E. Roth thuộc Đại học Harvard và Lloyd S. Shapley thuộc Đại học California, nước Mỹ về “Lý thuyết về phân bố ổn định và thực hành của mô tả thị trường”.

Lý thuyết của hai nhà kinh tế nước Mỹ có liên quan đến một bài toán kinh tế trong đời sống, đó là làm thế nào phối hợp một cách tốt nhất các yếu tố khác nhau, hài hoà tối ưu các tác nhân kinh tế xã hội khác nhau. Cụ thể và giản đơn như giữa học sinh và trường học, giữa người hiến tạng và số bệnh nhân.

Và tổng quát hơn, các tác giả của phát minh đã đi từ lý thuyết trừu tượng trên sự phân bổ ổn định đến việc thiết kế thực tiễn các thiết chế của thị trường. Đó là bài toán có ý nghĩa to lớn được đặt ra và giải quyết nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế, nâng cao không ngừng mức sống của các nước trong thời hiện đại.

Và những điều đọng lại

Giải Nobel danh giá về văn chương năm 2012 rơi vào tay nhà văn Mạc Ngôn.

Nhà văn Mạc Ngôn.
Nhà văn Mạc Ngôn.

Điều này không làm cho mọi người quá ngạc nhiên. Vì tài năng của nhà văn đương đại được xem là nổi bật nhất của nước Trung Hoa này đã thể hiện qua nhiều tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài, trong đó có tiếng Việt, như Báu vật của đời, Cao lương đỏ, Đàn hương hình, Rừng xanh lá đỏ, Tổ tiên có màng chân, Cây tỏi nổi giận... và được đánh giá cao qua lời của đại diên Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển: "Với chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, Mạc Ngôn đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa những câu chuyện dân gian với lịch sử và đương đại".

Điều này cũng không quá bất ngờ, vì trong dư luận ồn ào thời tiền Nobel và cả trong các cuộc cá cược đỏ đen, Mạc Ngôn nằm trong danh sách dự đoán với hai người hàng đầu là nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami, tác giả của Rừng Na Uy lừng lẫy thế giới và Mạc Ngôn, dù Mạc Ngôn đứng ở vị trí thứ nhì.

Nhưng điều mà dư luận bàn cãi là tại sao trao giải cho Mạc Ngôn mà không phải Murakami. Sự tranh cãi không tập trung vào chất lượng nghệ thuật mà chủ yếu vào thái độ chính trị của người được giải. Con người “chính trị” của Mạc Ngôn thể hiện ở chỗ ông luôn đứng ở lề phải, về phía chính quyền Trung quốc. Một số nhà phân tích đã đặt câu hỏi phải chăng Ban Tổ chức Giải Nobel 2012 đã có động tác “chính trị” ấy để cân bằng với sự việc gai góc 2 năm trước đây, khi họ trao Giải Nobel Hoà Bình cho nhà hoạt động chống đối Lưu Hiểu Ba nay vẫn ngồi trong nhà tù.

Giải Nobel Hoà Bình 2012 cũng được bàn tán không kém sau khi đã công bố trao cho Liên minh châu Âu EU nhân dịp kỷ niệm tròn 60 năm thành lập những tổ chức tiền thân của khối là Cộng đồng Than và Thép châu Âu.

Việc EU đạt được những thành tựu là điều rõ ràng không thể phủ nhận được, nhưng điều gây tranh cãi chính thời điểm trao giải hiện nay của Ủy ban Nobel là không thích hợp. Trong khi cơn khủng hoảng ở khu vực đồng euro đang xảy ra nặng nề khiến EU không còn thống nhất vững chắc như trước. Vì thế, việc trao giải Nobel Hòa bình năm nay cho EU, phải chăng, lại cũng mang tính “chính trị” với ý định lên dây cót tinh thần cho EU trong cơn khủng hoảng.

Dù sao, mọi giải thưởng, đặc biệt với giải thưởng danh giá nhất hành tinh như Giải Nobel, không thể làm hài lòng tất cả mọi người, mọi phía. Vì vậy, gạt đi những băn khoăn, trăn trở, nghi vấn về những điều này nọ, Mùa Nobel năm nay, cũng như nhiều năm trước, vẫn được xem là mùa vui, là dịp vinh danh xứng đáng nhất những thành tựu khoa học, thành quả sáng tạo và cống hiến đỉnh cao vì cuộc sống và hạnh phúc con người.

Theo Vietnamnet
  • 1.701