Chủ nhân ngôi mộ này dù đã xuống suối vàng nhưng vẫn cố gắng "hối lộ" cả Diêm Vương.
Là nơi có vị trí đắc địa và phong thủy bảo địa, thành Kỷ Nam - kinh đô cũ Sở Quốc thời kỳ Đông Chu cổ đại (nay là phía bắc thành cổ Kinh Châu thuộc tỉnh Hồ Bắc) đã được chọn là nơi an nghỉ của rất nhiều quý tộc, vương công đại thần của nhà Tần và nhà Hán.
Vì vậy, khu vực này được bảo tồn cẩn thận từ những năm 1950, mãi đến năm 1973 mới bắt đầu thực hiện các cuộc khai quật lớn nhỏ khác nhau.
Khi khai quật đến ngôi mộ số 168 thời Tây Hán, người ta đã tìm thấy một xác chết được bảo quản tốt, không chỉ có ngũ tạng mà lớp da vẫn còn giữ được độ đàn hồi nhất định. Đối với sự phát triển của hơn 2.000 năm trước, thì kỹ thuật này có thể nói là một phép lạ.
Khung cảnh khai quật ngôi mộ số 168 thời Tây Hán. (Hình ảnh: Sohu).
Sau đó, một số lượng lớn đồ tùy táng được tìm thấy trong các ngôi mộ cổ, trong đó có những tấm trúc thư được đặt cạnh thi thể chủ nhân của ngôi mộ đã khiến các chuyên gia vô cùng tò mò và lập tức bắt tay vào khôi phục những dòng chữ trên đó. Bởi những di vật có thể đặt cạnh thi thể chủ nhân ngôi mộ hẳn là phải rất có giá trị.
Hóa ra tấm trúc thư này là bức thư mà chủ mộ đặc biệt viết gửi cho Diêm Vương khi ông qua đời.
Những tấm trúc thư viết gửi Diêm Vương được tìm thấy trong ngôi mộ. (Hình ảnh: Sohu).
Đầu thư viết: "Tháng 5 Canh Thìn năm thứ 13, quan thừa (quan giúp việc thời xưa) tại Giang Lăng cảm cáo quan thừa dưới địa phủ", có nghĩa là chủ mộ đang thỉnh an Diêm Vương dưới suối vàng.
Sau đó viết thêm rằng bản thân đã "mang" theo một số lượng lớn lính canh và hầu gái, cũng như rất nhiều tài sản tùy táng. Và câu cuối cùng là: "Có thể cho ta chức quan lệnh là được"
Đại ý cả bức thư khiến cho đoàn khảo cổ phải bật cười: Bởi chủ mộ đã đem theo rất nhiều tài sản, giai nhân hầu cận xuống đến hoàng tuyền, hy vọng Diêm Vương có thể ban cho một chút thể diện bằng một chức quan lệnh là được.
Nội dung bức thư khiến cho danh tính của chủ nhân ngôi mộ càng trở nên hấp dẫn đối với đoàn chuyên gia khai quật cụm ngôi mộ này. Sau khi giám định thì họ khẳng định rằng chủ nhân ngôi mộ tên là "Tùy" - nắm giữ chức quan "Ngũ đại phu" thời Tây Hán, tính ra thì ông ta cũng thuộc tầng lớp quý tộc bậc trung lúc bấy giờ.
Khi còn sống, ông chắc hẳn là một bậc tước gia biết tận hưởng mọi vinh hoa phú quý nên mới có nhiều binh lính và nô tì tùy táng đến vậy. Đến cả lúc chết đi, cũng nuôi hy vọng sẽ dùng của cải chôn theo để đổi lấy các chức vụ quan lại dưới địa phủ.
Quả thực khiến cho người ta dở khóc dở cười: Đúng là chủ mộ đến chết vẫn tham!
Bức vẽ Diêm Vương thiết triều dưới địa phủ. (Hình ảnh: Zhihu).
Dưới con mắt của các nhà khảo cổ học thì đó là điều rất bình thường, chuyên gia cho biết: "Vào thời Tần và Hán, những bức thư gửi Diêm Vương như này đã là một tục lệ "chôn cất" quen thuộc, được gọi là "Cáo Địa thư". Thế nhưng có thể hối lộ một cách trắng trợn để xin một chức quan như ông "Tùy" đây thực sự là hiếm gặp".
Có thể khi còn sống đây cũng chính là cách thức mà chủ nhân ngôi mộ sử dụng để có được chức vị trong triều, ung dung mà hưởng vinh hoa phú quý.