Ông Nguyễn Văn Phù (trú huyện Vũ Quang) thuê máy xúc đào móng nhà, phát hiện ba hũ sành đựng hơn 100kg tiền xu ở độ sâu 1,5m.
Tiền xu được ông Phù gom lại, đóng vào bì tải. (Ảnh: Gia Hân).
Sự việc xảy ra một tháng trước, khi ông Phù đào móng làm nhà cho con ở thôn Yên Du, xã Đức Lĩnh. Ban đầu, thợ máy xúc đào trúng một hũ sành khiến bị vỡ, tiền xu bung ra. Gia đình đình ông Phù gom lại, cân được 30kg.
Ông Phù sau đó thuê máy dò tìm kim loại tìm kiếm xung quanh, phát hiện thêm hai hũ sành nữa, đựng 36kg và 46kg tiền xu. 3 hũ sành được chôn ba góc, theo hình tam giác. "Tiền xu làm bằng hợp kim, hình tròn, lỗ vuông, đường kính 2,4cm, dày 0,1cm, một mặt có chữ Hán", ông Phù nói.
Ngày 20/12, Bảo tàng Hà Tĩnh đã cử cán bộ tới nhà riêng gặp ông Phù đàm phán, mua lại số tiền xu cổ trên về nghiên cứu, song gia chủ chưa đồng ý.
Qua kiểm tra, tiền xu có hơn 10 loại, chủ yếu thời Tây Sơn (1778-1802). Theo cán bộ bảo tàng, khu vực xã Đức Lĩnh ngày xưa là nơi đóng quân của Phan Đình Phùng thời khởi nghĩa Hương Khê, thuộc phong trào Cần Vương (1885-1896), nhiều khả năng đây là tiền của nghĩa quân sót lại.
"Tiền cổ là hiện vật phản ánh về kinh tế, lưu thông hàng hóa của một triều đại. Nó phục vụ cho việc nghiên cứu, giải mã về mặt chính trị, văn hóa. Bảo tàng đang cố gắng thuyết phục, giúp người dân hiểu được ý nghĩa lịch sử của tiền cổ, từ đó đồng ý bán lại hoặc giao nộp", cán bộ Bảo tàng Hà Tĩnh nói.