Cột tro bụi hình thành từ vụ núi lửa Anak Krakatoa phun trào ở Indonesia đã cao đến 1.500 m vào ngày 5/2, theo Cơ quan Địa chất nước này.
Theo hình ảnh của Trung tâm Vũ trụ châu Âu thu được từ vệ tinh Sentinel-2 sau vụ phun trào, miệng ngọn núi lửa phun ra một cột khí và bụi dày đặc, theo EarthSky. Trạm quan sát núi lửa Anak Krakatau đã nâng cảnh báo lên mức cam. Các máy bay khi đi qua khu vực cần chú ý đến lượng bụi trong không khí.
Ngọn núi lửa phun trào từ hôm 4/2, theo South China Morning Post. Giới chức Indonesia cảnh báo người dân tránh xa ngọn núi trong bán kính 2km.
Trước đó, kể từ giữa tháng 1, Anak Krakatoa đã có dấu hiệu gia tăng hoạt động, theo Cơ quan Đối phó Thảm họa Tự nhiên Indonesia. Núi lửa này không nằm trên đất liền, mà nằm ở eo biển Sunda, giữa hai đảo lớn Java và Sumatra.
Núi lửa Anak Krakatoa phun trào năm 2018. (Ảnh: AFP).
Núi lửa Anak Krakatoa (nghĩa là “Đứa con của Krakatoa”) được hình thành sau vụ phun trào lịch sử của ngọn núi lửa Krakatoa tháng 8/1883, khiến khoảng 35.000 người thiệt mạng.
Sức phá hủy khi đó được ước tính tương đương với 200.000 tấn thuốc nổ TNT - gấp khoảng 13.000 lần so với quả bom nguyên tử ném xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản năm 1945. Krakatoa cũng phun trào ra khoảng 25 km khối đất đá. Tiếng nổ của núi lửa có thể được nghe thấy tại Australia, cách đó 3.600 km.
Năm 2018, Anak Krakatoa có đợt phun trào lớn và gây ra sóng thần trên đảo Sumatra và Java, khiến 430 người thiệt mạng, dù khu vực gần núi lửa có ít dân cư sinh sống.
Ngọn sóng thần khi đó cao hơn 100 m và có thể đạt đến 150 m, theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Tokyo và London. Đây được coi là vụ phun trào núi lửa chết chóc nhất trong thế kỷ 21.