Nước Anh đối phó dịch lở mồm long móng

  •  
  • 154

Tối 4-8, bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn (DEFRA) thông báo nguồn virus gây dịch lở mồm long móng ở gia súc tại một nông trại ở Surrey, miền nam nước Anh, giống với một nguồn virus được sử dụng tại một phòng thí nghiệm láng giềng của nông trại này.

Theo thông báo của DEFRA, nguồn virus tại trang trại gần làng Normandy ở Surrey không phải là một nguồn virus mới tìm thấy trên động vật. Và phòng thí nghiệm Pirbright thuộc Viện thú y, một cơ quan của chính quyền, đang thực hiện các nghiên cứu về bệnh lở mồm long móng, cách trang trại có dịch khoảng sáu km, dường như là nguồn gốc của dịch bệnh tại trại.

Andrew Biggs, chuyên viên của Hội thú y xác nhận có nhiều dấu hiệu cho thấy virus từ phòng thí nghiệm lây lan sang trang trại láng giềng trên. Đây là virus thuộc họ picornavirus có thể lây truyền qua bụi, động vật bị nhiễm virus trong một bầy đàn lành mạnh, do con người vận chuyển gia súc và tiêu dùng các động vật và phụ phẩm của chúng bị nhiễm virus. Theo bộ Nông nghiệp, ba trang trại trong vùng đã bị nhiễm virus.

Con đường thuộc khu vực gần trang trại bị nhiễm dịch đang được bảo vệ (Ảnh: BBC)

Một kế hoạch khẩn cấp được thực thi ngay lập tức với lệnh cấm di chuyển gia súc (Heo, cừu, bò) trên toàn lãnh thổ nước Anh, thiết lập một vùng cách ly tạm thời trong vòng bán kính một km, một vùng bảo vệ ba km và một vùng giám sát 10 km xung quanh trang trại và phòng thí nghiệm.

Lệnh nghiêm cấm xuất khẩu gia súc, thịt và sữa cũng được ban hành. Thủ tướng Anh Gordon Brown đã rút ngắn kỳ nghỉ hè và bộ trưởng bộ Môi trường Hilary Benn đã ngưng kỳ nghỉ phép để tham gia giải quyết vấn đề này.

Theo nhận định của giới báo chí, nước Anh muốn tránh một thiệt hại đáng kể, đặc biệt về kinh tế như trận dịch lở mồm long móng xảy ra tại nước này vào năm 2001. Vào thời kỳ đó, trận dịch đã dẫn đến việc giết bỏ bảy triệu gia súc và gây thiệt hại 12 tỉ euro, đồng thời phải mất đến một năm sau kể từ khi xuất hiện tại một trang trại ở phía bắc, virus lở mồm long móng mới bị loại trừ. Chính quyền lúc đó đã bị chỉ trích nặng nề vì phản ứng quá chậm.

Trong khi đó, EU thông báo lệnh cấm xuất khẩu gia súc có nguy cơ cao (bò, heo, cừu) và các sản phẩm phụ từ gia súc (xương, thịt, sữa) đối với nước Anh bắt đầu có hiệu lực từ ngày 6-8.

Một ủy ban gồm các chuyên viên thú y của 27 nước thuộc EU sẽ họp về vấn đề này vào ngày 8-8. Trong một diễn biến khác, Nhật, Mỹ và nhiều nước khác đã hoãn nhập thịt heo của Anh.


Vòng kiểm soát quanh khu vực trang trại và phòng thí nghiệm
có virus lở mồm long móng (Ảnh: TTO)

ĐỨC TRƯỜNG

Theo AP, AFP, Tuổi trẻ
  • 154