Nước sạch thành thách thức lớn của châu Á

  •  
  • 716

Tình trạng bùng nổ dân số, quản lý tài nguyên kém, lũ lụt và hạn hán đang biến nước sạch thành thứ xa xỉ đối với hàng trăm triệu dân châu Á. 

Một bé trai sống trong khu ổ chuột tại thành phố Calcutta xếp hàng để lấy nước sạch cho gia đình. Ảnh: AFP.


Quan chức nhiều nước châu Á đang tham dự Diễn đàn nước thế giới tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Họ thừa nhận rằng họ đang đối mặt với thách thức lớn trong việc đáp ứng nhu cầu nước sạch của người dân. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho biết, với dân số lớn nhất thế giới, từ lâu quốc gia này đã coi nước là tài nguyên quý giá. Theo ông, tình trạng khan hiếm nước sạch có thể làm tăng bất ổn xã hội.

Theo một báo cáo được công bố trong hội nghị, khu vực châu Á-Thái Bình Dương chiếm 61% dân số thế giới, nhưng các nguồn nước dành cho khu vực này chỉ tương đương một phần ba tổng số nguồn nước trên toàn cầu. Khoảng nửa tỷ người tại đây không có cơ hội tiếp cận với nước an toàn và 1,8 tỷ người không được sống trong điều kiện vệ sinh tiêu chuẩn.

Hoạt động nông nghiệp cũng lấy đi 79% lượng nước tái sinh của khu vực. Ở một số vựa lương thực của châu Á, như bang Punjab của Ấn Độ và vùng đồng bằng phía bắc Trung Quốc, tình trạng khai thác nước ngầm quá mức khiến mực nước giảm 2 đến 3 mét mỗi năm. Trong khi đó, mực nước ngầm ở các khu vực bị đóng băng thuộc dãy Himalaya đang giảm với tốc độ nhanh nhất hành tinh.

Báo cáo cho rằng tất cả thực trạng nói trên đều dẫn tới một viễn cảnh đen tối đối với hoạt động trồng trọt, an ninh lương thực, cung cấp nước sạch và xử lý nước thải. “Trong trường hợp xấu nhất, tình trạng khan hiếm nước sạch sẽ gây nên những thảm họa và người dân sẽ phải đối mặt với sự khốn quẫn trong đời sống hàng ngày
”, báo cáo cảnh báo.

Ramesh Chandra Sen, Bộ trưởng Tài nguyên nước của Bangladesh, nói rằng đất nước ông đang đối mặt với “những thách thức khó vượt qua” do thiếu nước sạch. “Hàng năm, sự thừa mứa nước trong mùa mưa gây nên những thảm họa tự nhiên như lũ lụt, lở đất. Nhưng trong mùa khô, sự khan hiếm nước lại gây hạn hán, hiện tượng nước mặn từ biển xâm thực sâu vào đất liền và nhiều vấn đề khác. Bên cạnh đó, tình trạng nước ngầm nhiễm thạch tín cũng gây nên vô số bệnh tật cho người dân”, ông cho biết.

Các chuyên gia y tế cho rằng khoảng 70 triệu người ở Ấn Độ và Bangladesh phải sử dụng nước có hàm lượng arsen và flo cao hơn mức cho phép. Một số nhà khoa học mô tả thực tế này là “trường hợp nhiễm độc tập thể lớn nhất trong lịch sử nhân loại”.

Bộ trưởng Các dịch vụ công của Indonesia, ông Djoko Kirmanto, phát biểu rằng nhiều nước ở Đông Nam Á đã bắt đầu hứng chịu các tác động của thay đổi khí hậu – như lượng mưa và sản lượng lương thực giảm sút. “Trong những năm qua, các thảm họa tự nhiên liên quan tới nước như lũ lụt, hạn hán, sóng thần, bão, sạt đất xuất hiện với tần suất cao hơn hẳn so với các thập kỷ trước”, Kirmanto nói.

Các bộ trưởng vạch ra chương trình nước quốc gia, trong đó đề ra chiến lược cụ thể để bảo tồn và quản lý các nguồn nước. Họ cũng cam kết sẽ sử dụng diễn đàn khu vực để giải quyết các bất đồng liên quan tới nước.

Theo VnExpress (AFP)
  • 716