Sử dụng nước vo gạo để dưỡng và phòng ngừa rụng tóc đang là xu hướng đang được ưa chuộng trên mạng xã hội. Nhưng liệu nó có hiệu quả như lời đồn?
Người dân Nhật Bản và Trung Quốc đã sử dụng nước vo gạo để dưỡng tóc trong nhiều thế kỷ nay. Tuy nhiên, biện pháp này có thể đi kèm với một số tác dụng phụ như: khô tóc và kích ứng da đầu.
Theo Tiến sĩ Shasa Hu, Phó Giáo sư Khoa Da liễu Trường Y Miller thuộc Đại học Miami, Mỹ, có một số bằng chứng cho thấy chiết xuất cám gạo, có nguồn gốc từ lớp ngoài của hạt gạo, có thể hữu ích cho những người bị rụng tóc. Tuy nhiên, không có nhiều nghiên cứu chuyên sâu chứng minh tác dụng thật sự của cám gạo đối với tóc. "Chiết xuất khoáng chất cám gạo không có trong gạo bán ở siêu thị vì trong quá trình xay xát, thành phần đó đã bị loại bỏ", Tiến sĩ Shasa Hu lưu ý.
Tác dụng của nước vo gạo với tóc vẫn còn khá mơ hồ. (Ảnh: Traya).
Nước vo gạo thường an toàn khi dùng ngoài da, nhưng đôi khi cũng có thể gây kích ứng nhẹ, sưng, đỏ hoặc đóng vảy trên da, đặc biệt với những người có làn da nhạy cảm hoặc các bệnh da liễu như eczema hay vảy nến. Các sản phẩm nước vo gạo cũng có thể chứa hương liệu và các thành phần khác gây kích ứng. Một số người cảm thấy nước vo gạo làm khô tóc, gây hư tổn thay vì làm tóc bóng mượt hoặc khỏe hơn, vì tinh bột trong nước vo gạo hút nước ra khỏi tóc.
Các chuyên gia khuyên, không nên dùng nước vo gạo tự làm vì không chứa cám gạo, đồng thời khuyến khích các phương pháp điều trị rụng tóc có bằng chứng khoa học rõ ràng hơn. Nếu thử, chỉ nên mua sản phẩm từ nguồn uy tín để tránh hóa chất độc hại.