Thành tựu nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH và CN) của các đề tài và dự án KH và CN cấp Nhà nước trong năm qua phải kể đến sự đóng góp tích cực của việc đổi mới cơ chế quản lý.
Trước hết là hệ thống văn bản quản lý được đổi mới và hoàn thiện một cách đồng bộ, rõ ràng, thống nhất từ khâu xác định nhiệm vụ đến khâu đánh giá kết quả.
Phương thức mới về xác định nhiệm vụ và tuyển chọn tổ chức và cá nhân chủ trì nhiệm vụ KH và CN đã được tổ chức công khai, dân chủ, bình đẳng, bước đầu tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và phát huy được tiềm năng sáng tạo trong hoạt động KH và CN.
Hầu hết các đề tài, dự án đều nhằm giải quyết mục tiêu rõ ràng, tạo được sản phẩm cụ thể và dự kiến địa chỉ áp dụng ngay từ khi xác định đầu vào, đã gắn nhiều hơn với nhu cầu sản xuất và đời sống, khắc phục dần tình trạng ghép cơ học nhiều nội dung không có sự liên kết trong một đề tài.
Chất lượng các bản thuyết minh các đề tài, dự án tham gia tuyển chọn đã tốt hơn rất nhiều so với trước đây. Nhiều cán bộ khoa học trẻ có năng lực đã được chủ trì hoặc tham gia chủ trì thực hiện các nhiệm vụ KH và CN cấp Nhà nước.
Phương thức tổ chức hoạt động KH và CN theo chương trình đã tạo điều kiện thuận lợi trong quản lý, đánh giá các nhiệm vụ KH và CN. Việc thực hiện quản lý đề tài, dự án theo cơ chế hợp đồng đã nâng cao trách nhiệm của các bên tham gia, đòi hỏi các chủ nhiệm và tổ chức chủ trì bám sát hợp đồng thực hiện theo tiến độ đề ra.
Quy định mới về đánh giá nghiệm thu đòi hỏi các chủ nhiệm đề tài, dự án dành nhiều thời gian để thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng của sản phẩm khoa học đã đăng ký. Phương thức cấp phát kinh phí trực tiếp từ Văn phòng chương trình đến tổ chức chủ trì đã giúp người sử dụng nhận được kinh phí nhanh chóng, kịp thời.
Kinh phí đầu tư cho các đề tài, dự án theo các nội dung nghiên cứu tăng đáng kể và được cấp theo tiến độ, đáp ứng nhu cầu. Việc cho phép chuyển kinh phí chưa sử dụng hết của năm trước sang sử dụng trong năm sau đã giúp các đề tài, dự án tránh được tình trạng ép buộc phải giải ngân hết vào cuối năm. Nhờ đó, việc sử dụng kinh phí được thuận lợi hơn, phù hợp hơn tính chất của hoạt động nghiên cứu.
Ðáng chú ý, việc kiểm tra định kỳ các nhiệm vụ KH và CN có sự phối hợp giữa Ban chủ nhiệm chương trình với các cơ quan quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính đã góp phần đôn đốc, giám sát việc thực hiện về nội dung, tiến độ, sản phẩm..., của các đề tài, dự án theo các hợp đồng và thuyết minh đề cương đã được phê duyệt.
Việc kiểm tra định kỳ đã giúp xử lý, giải quyết các vướng mắc trong tổ chức thực hiện; đồng thời kịp thời trao đổi những vấn đề chuyên môn với các đề tài, dự án nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu.
Văn phòng chương trình đặt tại cơ quan của Chủ nhiệm chương trình nên công tác tổ chức, quản lý chương trình có nhiều thuận lợi. Các công việc của chương trình đều được giải quyết kịp thời.
Tuy nhiên, trong đề xuất nhiệm vụ, chưa có cơ chế sàng lọc hữu hiệu để chọn cho trúng các nhiệm vụ khoa học đúng tầm. Việc tổ chức đề xuất các ý tưởng nghiên cứu để hình thành các đề tài, dự án theo phương thức đơn thuần từ dưới lên nên chưa giúp hình thành được các nhiệm vụ lớn, có trình độ KH và CN cao để giải quyết các yêu cầu do thực tiễn đặt ra.
Việc này bước đầu đã được khắc phục thông qua việc thí điểm xây dựng các nhiệm vụ KH và CN quy mô lớn, phục vụ cho các dự án kinh tế - xã hội trọng điểm như: thiết bị thủy điện, sản xuất xi-măng, hệ thống truyền dẫn điện...
Trong đánh giá tuyển chọn: các chỉ tiêu đánh giá tuyển chọn, xét chọn, đánh giá nghiệm thu các nhiệm vụ KHCN tuy đã được xây dựng chỉ tiêu và được cụ thể hóa thành các thang điểm, song vẫn còn nặng về định tính, tỷ trọng giữa các tiêu chí chưa hợp lý và chưa thật sự phù hợp đặc thù của các loại hình nghiên cứu.
Chất lượng đánh giá của các hội đồng tư vấn còn hạn chế do số lượng chuyên gia thật sự giỏi trong từng lĩnh vực không nhiều, phương thức đánh giá độc lập chưa được áp dụng. Trong quan hệ phối hợp giữa các tổ chức, cá nhân: chưa nhấn mạnh quan hệ phối hợp giữa Ban chủ nhiệm chương trình và bộ chủ quản trong việc kiểm tra, đôn đốc và giám sát việc thực hiện các đề tài, dự án; chưa đề cao vai trò, vị trí của tổ chức chủ trì; tư cách pháp nhân của văn phòng chương trình còn yếu.
Việc cấp phát tài chính chậm tiến độ cũng ảnh hưởng đáng kể tới chất lượng thực hiện các đề tài, dự án, nhất là những đề tài thuộc lĩnh vực nông - lâm nghiệp, có những nội dung thực hiện liên quan mùa vụ. Ðối với các chương trình KHXH và NV: việc cụ thể hóa các phương thức quản lý trong nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu lý luận chính trị và nghiên cứu KHXH và NV còn chậm nên không tránh khỏi hiện tượng trùng lắp về nội dung, chồng chéo trong tổ chức thực hiện cũng như tính hợp lý trong lựa chọn cán bộ chủ trì thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu.
Ðể cho hoạt động KH và CN ngày càng phát triển và có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới theo ý kiến của nhiều chuyên gia Bộ KH và CN cần tập trung tiếp tục đổi mới việc tổ chức nghiên cứu theo chương trình nhằm mục tiêu giải quyết những vấn đề do kinh tế - xã hội đặt ra ở trình độ KH và CN quốc tế, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hội nhập quốc tế.
Tạo ra cơ chế hữu hiệu để tập trung giải quyết các nhiệm vụ KH và CN quy mô lớn, liên quan các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh trong cạnh tranh quốc tế của đất nước. Khuyến khích nhiệm vụ có định hướng tìm kiếm bí quyết và giải mã công nghệ. Có cơ chế chính sách đầu tư đến ngưỡng cho các công trình nghiên cứu có triển vọng, nhằm thúc đẩy việc áp dụng các kết quả KH và CN vào sản xuất và đời sống.
Việc đầu tiên là phải đổi mới và tổ chức tốt khâu đánh giá nhu cầu đầu vào khi xác định mục tiêu, nhiệm vụ KH và CN. Nhanh chóng tổ chức học tập và áp dụng phương pháp xây dựng kế hoạch KH và CN của các nước tiên tiến để chương trình cấp Nhà nước thật sự là nòng cốt của hoạt động KH và CN của đất nước.
Tăng cường hợp tác quốc tế, chú trọng đào tạo nhân tài trong các lĩnh vực công nghệ chiến lược. Xây dựng cơ chế khuyến khích việc mời các nhà khoa học nước ngoài tham gia nghiên cứu, cố vấn cho các nhóm khoa học trong nước; sử dụng tư vấn nước ngoài trong việc xây dựng các nhiệm vụ KH và CN cũng như trong việc đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ KH và CN.
Xây dựng đội ngũ chuyên gia chuyên nghiệp, có chuyên môn phù hợp để tham gia các Hội đồng tuyển chọn và đánh giá các nhiệm vụ KH và CN. Tập trung phát triển thị trường công nghệ. Xây dựng cơ chế, chính sách tạo ra sự liên kết giữa cung và cầu các kết quả KH và CN và khuyến khích việc chuyển giao và áp dụng các kết quả khoa học công nghệ vào thực tiễn.
Ðặc biệt cần khuyến khích vật chất và tinh thần đối với các nhà khoa học và tổ chức chủ trì trong việc tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, có khả năng chuyển giao cho sản xuất thông qua việc gắn lợi ích của nhà khoa học, nhà quản lý với kết quả và hiệu quả của chương trình, đề tài, dự án.
Tăng cường công tác kiểm tra giám sát, đánh giá giữa kỳ việc thực hiện các đề tài, dự án và chương trình. Có kế hoạch theo dõi đánh giá các đề tài, dự án sau khi kết thúc nghiệm thu. Gắn việc đầu tư tiếp theo (sau khi nghiệm thu) với chất lượng kết quả nghiên cứu.
Tạo điều kiện để các đề tài, dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động KH và CN. Sử dụng mạng internet trong công việc quản lý giữa cơ quan quản lý và cơ quan thực hiện đề tài, dự án.
Gắn quyền hạn và trách nhiệm của Ban chủ nhiệm chương trình trong việc lựa chọn nhiệm vụ nghiên cứu, trong triển khai các hoạt động liên quan quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu cũng như trách nhiệm về kết quả, hiệu quả của chương trình.
Tổ chức lại các văn phòng chương trình thành một văn phòng trực thuộc Bộ KH và CN. Các Vụ chức năng của Bộ KH và CN giúp Bộ trưởng kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chương trình, không can thiệp sâu vào hoạt động khoa học của chương trình.
Linh Nam