PGS Nguyễn Lân Cường kể lần đầu tiếp cận xương sọ người tiền sử

  •  
  • 507

Sáng 18/9, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã công bố thông tin lần đầu tiên về di chỉ khảo cổ tiền sử đã được phát hiện trong các hang động núi lửa thuộc khu rừng đặc dụng Đray Sáp, huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông.

Trong các hang động núi lửa có số hiệu từ C1 đến C6 các nhà khoa học tìm thấy hàng vạn di vật là mảnh gốm, công cụ đá, mảnh tước, phác vật, xương răng động vật, vỏ nhuyễn thể nước ngọt... Kết quả này có được từ đề tài nghiên cứu do TS La Thế Phúc, Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam chủ trì thực hiện.

Tại buổi công bố, các nhà khoa học và đại biểu tham dự được nghe những câu chuyện thú vị từ những ngày đầu tiếp cận từng mảnh vụn, xương động vật, dụng cụ lao động có dấu ấn của người tiền sử cách đây 7.000-4.000 năm.

Thú vị hơn cả là câu chuyện của PGS Nguyễn Lân Cường, Hội Khảo cổ học Việt Nam trong quá trình tiếp cận với di cốt người.

PGS Cường kể, ông từng mừng hụt ở lần đầu khi nhóm khai quật thông báo phát hiện đoạn xương chày và xương đùi. Thế nhưng khi kiểm tra chỉ là xương chày của con hươu, nai.

PGS Nguyễn Lân Cường
PGS Nguyễn Lân Cường cầm sọ người tiền sử mới phát hiện được.

"Khi đó tôi rất buồn vì hy vọng tìm thấy xương người tiền sử ở Tây Nguyên tạm khép lại. Hàng trăm năm nay các nhà khảo cổ vẫn tìm kiếm xương người tiền sử trong hang núi lửa mà chưa thấy", PGS Cường nói.

Nhưng rất may, ngày 18/3, trong quá trình rửa hiện vật của hang C6-1 "mắt tôi như sáng lên khi phát hiện vật xen lẫn các công cụ đá, xương động vật, vỏ trai ốc có một chiếc răng khôn bên phải hàm trên của người. Tôi vội gửi ảnh chiếc răng hàm này cho 2 người bạn là GS Hirofumi Matsumura (Nhật Bản) và GS.TS. Hoàng Tử Hùng, nguyên Viện trưởng Viện Răng – Hàm – Mặt Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. Chỉ vài tiếng sau cả hai nhà khoa học đều trả lời chính xác đó là răng người", PGS Cường cho biết.

Vậy là đã có dấu vết đầu tiên của con người ở Tây Nguyên sau bao năm tìm kiếm dù chỉ mới là một chiếc răng hàm. Vài ngày sau đó tôi phát hiện thêm các đoạn xương đùi và xương chày của một cá thể trưởng thành. Tiếp đến nhóm khai quật lại phát hiện được một bộ xương trẻ em ở trong hố khai quật.

"Bộ xương đã lộ phần sau của hộp sọ, mặt úp sấp, các xương cánh tay, trụ, quay, đùi và xương chày dựng đứng. Tôi trực tiếp làm rõ dần bộ xương và kết luận bộ xương được chôn theo tư thế ngồi bó gối", PGS Cường nói.

Quá trình khai quật, các nhà khoa học lần tìm tỉ mỉ từng milimet đất bằng phương pháp thủ công thu thập các di vật khảo cổ. Tính đến năm 2018, ở hang C6-1 đã phát hiện được 3 ngôi mộ có di cốt người và ít nhất trong hố khai quật đã tìm thấy dấu vết của 10 cá thể nữa mà trong số đó có tới 5 cá thể là trẻ sơ sinh, một cá thể là thiếu niên và 4 cá thể là người trưởng thành.

"Việc phát hiện ra di cốt người cổ trong các hang động núi lửa ở Tây Nguyên, là bước ngoặt của ngành cổ nhân học nước ta, một thành tựu lớn của các nhà khoa học Việt Nam", PGS Cường đánh giá.

Những kết quả có được hiện cũng được các nhà khoa học tham khảo ý kiến của một số nhà khoa học nước ngoài như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Australia và Indonesia,... họ đều nói rằng chưa hề phát hiện được di cốt người cổ trong những hang động núi lửa. Tuy nhiên để xác định được rõ ràng chủng tộc thì cần các khai quật tiếp theo để tìm sọ của người lớn.

Theo PGS Nguyễn Lân Cường, việc này không khó vì đã phát hiện được xương người trưởng thành. Các bước tiếp theo chỉ cần khai quật mở rộng thêm để tìm kiếm.

Cuộc khai quật di chỉ khảo cổ hang động núi lửa ở Krông Nô thực hiện theo quyết định số 52/QĐ-BVHTTDL ngày 09/01/2018 của Bộ Văn hóaThể thao và Du lịch, trong khuôn khổ đề tài khoa học cấp Nhà nước: "Nghiên cứu giá trị di sản hang động, đề xuất xây dựng bảo tàng bảo tồn tại chỗ ở Tây Nguyên; lấy thí dụ hang động núi lửa ở Krông Nô, tỉnh Đắk Nông" (Tháng 8/2017 - 8/2020).
Cập nhật: 19/09/2018 Theo VNE
  • 507