Phân biệt các khái niệm nắng nóng

  •  
  • 2.643

Hà Nội đang trải qua những ngày nắng nóng gay gắt. Nhiều người chỉ cảm nhận, hoặc nghe dự báo viên thông báo, chứ không hiểu rõ các khái niệm liên quan.

Câu 1: Thời tiết như thế nào được gọi là nắng nóng?

Nắng nóng là một dạng thời tiết đặc biệt thường xảy ra trong những tháng mùa hè. Nắng nóng là sự biểu hiện khi nền nhiệt độ trung bình ngày khá cao và được đặc trưng ở nhiệt độ cao nhất trong ngày.

Nắng nóng có thể xảy ra trong trường hợp ít mây, độ ẩm tương đối của không khí thấp (thông thường giảm xuống dưới 55%) thì được gọi là hiện tượng khô nóng. Trường hợp nắng nóng xảy ra trong điều kiện nhiều mây, độ ẩm tương đối trong không khí tương đối cao khi đó thời tiết kèm theo nó là rất oi bức, cơ thể con người cảm thấy rất khó chịu.

Trong những ngày nắng nóng đôi khi có xảy ra mưa rào và dông vào lúc chiều tối. Tuy nhiên do các yếu tố khí tượng có mối quan hệ khá chặt chẽ nên đơn giản mức độ nắng nóng được căn cứ theo nhiệt độ cao nhất trong ngày.

Câu 2: Cấp độ nắng nóng được phân chia như thế nào và khi nào sử dụng cấp độ đó?

Một ngày, tại địa phương nào đó được coi là có nắng nóng khi nhiệt độ cao nhất (ký hiệu là Tx) đạt mức 35 độ C ≤ Tx < 37 độ C. Nắng nóng gay gắt khi 37 độ C ≤ Tx < 39 độ C và được coi là ngày nắng nóng đặc biệt gay gắt khi Tx ≥ 39 độ C.

Trong một khu vực dự báo (ví dụ đồng bằng Bắc Bộ), nếu quan sát thấy có ít nhất từ một nửa số trạm quan trắc trở lên có nhiệt độ cao nhất trong ngày Tx ≥ 35 độ C thì được gọi là ngày nắng nóng diện rộng. Còn khi chỉ quan sát thấy dưới một nửa số trạm trong khu vực có nhiệt độ cao nhất trong ngày Tx ≥ 35 độ C thì được gọi là nắng nóng cục bộ.

Một ngày được coi là nắng nóng gay gắt trên diện rộng khi có ít nhất 2/3 số trạm quan trắc trong khu vực có nhiệt độ cao nhất Tx ≥ 35 độ C, trong đó ít nhất một nửa số trạm quan trắc trong khu vực dự báo có nhiệt độ cao nhất Tx ≥ 37 độ C.

Khi nắng nóng diện rộng xuất hiện liên tục từ 2 ngày trở lên trong một khu vực dự báo thì được gọi là một đợt nắng nóng.

Những ngày nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời thường cao hơn nhiệt độ đo trong trạm khí tượng khoảng 4-6 độ C
Những ngày nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời thường cao hơn nhiệt độ đo trong trạm khí tượng khoảng 4-6 độ C. (Ảnh: Ngọc Thành).

Câu 3: Hiệu ứng phơn (hay gió khô nóng) là gì?

Trong khí tượng học, hiện tượng gió vượt đèo được gọi là phơn (foehn). Từ bên sườn núi đón gió, không khí chuyển động đi lên, càng lên cao không khí càng bị lạnh dần đi rồi ngưng kết tạo thành mây cho mưa ở sườn đón gió, đồng thời thu thêm nhiệt do ngưng kết tỏa ra.

Cơ chế hình thành gió phơn.
Cơ chế hình thành gió phơn. (Ảnh: Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia).

Sau khi vượt qua đỉnh đèo, gió thổi xuống bên này núi. Khi đó không khí đã trở nên khô hơn, nhiệt độ tăng dần lên do quá trình không khí bị nén đoạn nhiệt, do vậy đến chân núi bên này không khí trở nên khô và nóng hơn so với không khí ở sườn đón gió.

Hiện tượng này gọi là phơn và hiệu ứng tăng giảm nhiệt, ẩm gọi là hiệu ứng phơn. Hiệu ứng phơn càng mạnh nếu không khí đến bên sườn đón gió càng ẩm và đỉnh núi càng cao. Ví dụ với dãy núi cao 3.000m, nhiệt độ không khí bên kia núi là 10 độ C, sang chân núi bên này nhiệt độ lên tới 18 độ C.

Câu 4: Gió Lào là gì?

Hàng năm, vào các tháng mùa hè, miền Trung Việt Nam thường chịu ảnh hưởng của những đợt gió mùa mùa hè thổi từ vịnh Bengan theo hướng tây nam. Sau khi vượt qua lãnh thổ Campuchia và Lào, gió đã mất đi một phần hơi ẩm, gặp dãy núi Trường Sơn, không khí bị đẩy lên cao và lạnh đi nên hầu hết hơi nước bị ngưng kết lại tạo thành mưa và rơi hết xuống sườn phía tây của dãy Trường Sơn. Khi thổi sang sườn phía đông, gió trở nên khô và nóng. Dân gian thường gọi gió này là gió Lào. Như vậy, gió Lào cũng là loại gió khô nóng do tác dụng phơn.

TP Vinh, Nghệ An, nơi thường xuyên chịu tác động của gió Lào.
TP Vinh, Nghệ An, nơi thường xuyên chịu tác động của gió Lào. (Ảnh: Nguyễn Hải).

Động lực chủ yếu sinh ra gió Lào là vùng áp thấp nóng thường hình thành ở miền Hoa Nam, Trung Quốc, có khi trung tâm vùng áp thấp này nằm ngay đồng bằng Bắc Bộ. Vùng áp thấp có tác dụng hút gió vượt qua dãy Trường Sơn. Vùng áp thấp này càng sâu (có nghĩa là áp suất trung tâm vùng áp thấp càng nhỏ) thì gió Lào càng thổi mạnh, và có trường hợp tỏa rộng ra Bắc Bộ, lên tới tận khu vực Việt Bắc.

Câu 5: Gió Lào thường xuất hiện khi nào?

Hàng năm, tại các tỉnh ven biển Trung Bộ, mùa gió Lào thường bắt đầu từ hạ tuần tháng 4 đến trung tuần tháng 9, thổi nhiều nhất vào tháng 6 và 7. Theo số liệu thống kê, mỗi tháng này trung bình có 7-10 ngày, trong đó có 2-4 ngày gió Lào thổi mạnh. Gió Lào thường thổi thành từng đợt, đợt ngắn 2-3 ngày, đợt dài 10-15 ngày, có đợt kéo dài tới 20-21 ngày.

Trong một ngày, gió Lào thường bắt đầu thổi từ 8-9h sáng cho đến chiều tối, thổi mạnh nhất từ gần giữa trưa đến xế chiều, có khi thổi liên tục suốt cả ngày đêm, có đợt kéo dài 10 ngày đêm liền.

Để chống chọi với gió Lào bỏng rát, nông dân ra đồng thường mặc áo tơi làm bằng lá cọ.
Để chống chọi với gió Lào bỏng rát, nông dân ra đồng thường mặc áo tơi làm bằng lá cọ. (Ảnh: Đức Hùng).

Khi có gió Lào thổi, nhiệt độ cao nhất trong ngày thường vượt quá 37 độ C và độ ẩm tương đối trong ngày thường giảm xuống rất thấp, có khi xuống 30%. Bầu trời không một gợn mây, nắng chói chang, gió lại thổi đều đều như quạt lửa, cây cỏ héo khô, ao hồ cạn kiệt, con người và gia súc bị ngột ngạt, rất dễ sinh hỏa hoạn.

Các nơi khác cũng có gió khô nóng, song mức độ nhẹ hơn so với Trung Bộ. Để định lượng hóa hiện tượng gió khô nóng, các nhà khí tượng đưa ra chỉ tiêu: ngày có nhiệt độ >35 độ C, độ ẩm tương đối ≤ 55% được xem là ngày có gió khô nóng.

Câu 6: Dấu hiệu gì báo trước sắp có gió Lào thổi?

Trước khi có hiện tượng gió Lào thổi, bầu trời thường trong xanh, gió yếu hay lặng gió. Trên nền trời chỉ có một vài vệt mây li ti. Chân trời phía tây thường có mù khô màu vàng da cam, khí quyển rất trong có thể cảm nhận được một thứ nóng làm cho da mặt hầm hập như trong cơn sốt nhẹ. Đó là dấu hiệu báo trước sẽ có gió Lào sau một thời gian ngắn nữa.

Mùa nóng cũng là mùa thi nên cả phụ huynh và học sinh đều vất vả.
Mùa nóng cũng là mùa thi nên cả phụ huynh và học sinh đều vất vả. (Ảnh: Giang Huy).

Đồng thời, nếu để ý theo dõi diễn biến của các yếu tố khí tượng trong ngày sẽ thấy như sau:

  • Gió đổi hướng, yếu dần, rồi quay ngược chiều kim đồng hồ chứng tỏ có vùng áp thấp đang ngự trị.
  • Khí áp liên tục giảm xuống, khi nào có mức giảm lớn nhất thì gió Lào sẽ thổi mạnh nhất.
  • Tầm nhìn xa rất tốt.

Tất nhiên, để dự báo thời tiết có gió Lào, cần phải dựa vào diễn biến của các hệ thống thời tiết trong khu vực.

Cập nhật: 11/06/2020 Theo VnExpress/kttv.thaibinh
  • 2.643