Hai đồng vị đặc biệt trong thạch anh được tạo ra nhờ phản ứng tia vũ trụ năng lượng cao gần bề mặt Trái đất đã hé lộ niên đại của những bộ hài cốt có thể cổ xưa hơn cả người vượn phương Nam Lucy nổi tiếng.
Nhóm nghiên cứu có sự hiện diện của nhà địa chất và địa vật lý Darryl Granger từ Đại học Purdue - Mỹ và nhà khảo cổ Dominic Stratford từ Đại học Witwatersrand ở Nam Phi đã phân tích các đồng vị hiếm trong thạch anh là aluminium-26 và beryllium-10.
"Các đồng vị phóng xạ này, được gọi là "nuclide vũ trụ", được tạo ra bởi phản ứng tia vũ trụ năng lượng cao gần bề mặt Trái đất và sự phân rã phóng xạ của chúng tiết lộ niên đại" - tiến sĩ Granger giải thích.
2 hộp sọ được tìm thấy từ Sterkfontein - (Ảnh: PNAS)
Theo Science Alert, những phiến đá chứa thạch anh mang 2 đồng vị hiếm này cũng đồng thời chứa hài cốt của một số người vượn phương Nam (Australopithecus), gói gọn các sự kiện gần như diễn ra đồng thời: tia vũ trụ làm biến đổi đá, hài cốt con người bị chôn vùi, rồi cả tảng rơi xuống lối vào hang động.
Tảng đá bí ẩn thuộc về hệ thống hang động đá vôi Sterkfontein ở Nam Phi, nơi được mệnh danh "cái nôi của nhân loại" khi sở hữu nhiều hài cốt người vượn phương Nam rất cổ xưa.
Tuy nhiên trước đây, kỷ lục về mẫu vật con người cổ đại nhất vẫn thuộc về Lucy, một hóa thạch 47 mảnh chứa đựng 40% cơ thể một người vượn phương Nam 3,2 triệu tuổi, được khai quật tại Ethiopia.
Phân tích aluminium-26 và beryllium-10 mới đã gây giật mình khi tiết lộ các hài cốt trong hang Member 4 thuộc hệ thống hang động đá vôi Sterkfontein có những bộ lên tới 3,4-3,7 triệu tuổi, bao gồm hộp sọ Mrs.Ples nổi tiếng. Ở hang Member 2 cũng có hài cốt 3,67 triệu tuổi mang tên là Little Foot.
Như vậy, những bộ hài cốt Sterkfontein có niên đại xưa hơn cả Lucy, cho thấy đây đúng là một "cái nôi của nhân loại" cần được nghiên cứu thêm. Chưa kể, khu vực này có rất nhiều hài cốt, có thể phản ánh sự đa dạng của các dòng người vượn phương Nam cũng như các loài mới hơn sau này.
Nghiên cứu vừa công bố trên PNAS.