Phao cho ghe thuyền

  •  
  • 1.003

Trải qua những trận bão lũ, người dân miền Trung đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm phòng chống thiên tai quí báu, để hạn chế thấp nhất thiệt hại. Một trong những kinh nghiệm đó là phương pháp chống tàu thuyền bị lật trong bão lũ mà gia đình ông Võ Văn Ẩn, hiện đang sống ở 66 Lê Bá Trinh, Hòa Cường, Đà Nẵng, đã áp dụng rất hiệu quả trong mấy chục năm qua. Với cách chế tạo khá đơn giản và nhanh chóng, phương pháp này có thể áp dụng rộng rãi cho người dân vùng ảnh hưởng bão, gây mưa lũ.

Trong lúc bão lũ, ngư dân thường bị thiệt hại nặng cả về người và tài sản do ghe thuyền bị lật. Trong cơn bão số 6 vừa qua, ngay cả khi ghe thuyền đã vào trú ẩn ở các âu thuyền và khu ven bờ vẫn bị sóng đánh úp. Sáng kiến làm “phao ghe thuyền” của ông Ẩn như sau:

Vật liệu sử dụng làm “phao ghe thuyền” là ống nước nhựa (nên sử dụng loại tốt), cỡ ống: đường kính 114 - 200mm (tùy loại ghe thuyền to hay nhỏ). Các ống này được bịt kín đầu và mắc thật chắc chắn quanh thuyền (hình 1: mặt cắt nhìn từ trên xuống; hình 2: mặt cắt nhìn từ bên hông; hình 3: mặt cắt nhìn từ phía trước, sau). Các thúng câu mực của ngư dân cũng có thể áp dụng được cách làm tương tự như vậy (hình 4: ống phao nhựa được bọc quanh thúng ghe). Những ống nước nhựa này có tác dụng như một cái phao bao bọc quanh chiếc ghe. Khi đi trên sông nước gặp gió bão thường làm cho ghe thuyền mất thăng bằng, nếu ghe thuyền được gắn phao này sẽ hạn chế bị lật.


(Ảnh: TTO)

Ông Ẩn cho biết: “Trong trận lụt năm Thìn (1964), với cách làm này ông nội tôi đã cứu sống cả gia đình. Ngày trước người dân thường sử dụng ống phao bằng thân cây chuối hoặc ống tre to...”. Theo ông Ẩn, cách làm này cũng có thể áp dụng cho các xuồng, ghe nhỏ ở đồng bằng sông Cửu Long trong mùa lũ về để hạn chế thấp nhất thiệt hại, rủi ro trong thiên tai.

TRẦN HUỲNH ghi

Theo Tuổi trẻ
  • 1.003