Phát hiện chủng virus corona mới trên dơi ở Ấn Độ

  •  
  • 438

Các nhà nghiên cứu Ấn Độ đã tìm thấy sự hiện diện của một loại virus corona khác được đặt tên là BtCoV, với hai loài dơi từ Kerala, Himachal Pradesh, Puducherry và Tamil Nadu.

Tiến sĩ Pragya D Yadav, nhà khoa học tại Viện Virus học Quốc gia Ấn Độ (NIV), tác giả đầu tiên của nghiên cứu cho biết, hiện tại chưa có bằng chứng hay nghiên cứu nào cho thấy những chủng coronavirus này có thể gây bệnh ở người. Nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ.

Chủng virus corona mới này xuất hiện trên 2 loài dơi ở Ấn Độ.
Chủng virus corona mới này xuất hiện trên 2 loài dơi ở Ấn Độ.

Điểm đáng chú ý nhất đó là BtCoV không có liên quan đến SARS-CoV2 gây ra đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, tiến sĩ Pragya D Yadav cho biết thêm rằng các loài dơi Pteropus (dơi quạ) trước đó từng được phát hiện dương tính với virus Nipah vào năm 2018 và 2019 ở Kerala.

Dơi có thể được coi là ổ chứa tự nhiên cho nhiều loại virus, trong đó một số là mầm bệnh tiềm tàng ở người. Bằng chứng là với đại dịch Covid-19 hiện tại gây ra do SARS-CoV-2 được cho cũng có mối liên hệ với dơi.

Với tình hình thay đổi nhân khẩu học và các vấn đề sinh thái, rất khó để kiểm tra các mối liên hệ của dơi với các động vật và con người. Do đó việc thực hiện giám sát tích cực và liên tục là rất quan trọng đối với cảnh báo dịch bệnh liên quan đến dơi.

Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh phát hiện chủng virus corona mới trên hai loài dơi Ấn Độ cho thấy cần phải thực hiện ngay những giám sát tích cực liên tục để xác định các loại virus mới nổi có tiềm năng dịch bệnh.

Thông tin thêm, tiến sĩ Yadav cho hay các mẫu bệnh phẩm liên quan đến dịch họng và trực tràng của hai loài dơi Rousettus và Pteropus từ bảy bang đã được sàng lọc coronavirus trong đó các mẫu đại diện được thu thập từ Kerala, Himachal Pradesh, Puducherry và Tamil Nadu đã có kết quả dương tính trong khi những con dơi từ Karnataka, Chandigarh, Punjab, Telengana, Gujarat và Odisha cho kết quả âm tính. Các xét nghiệm và giải trình tự phản ứng chuỗi polymerase sao chép ngược (RT-PCR) đã được sử dụng để xác nhận kết quả.

Cập nhật: 20/04/2020 Theo Dân Trí
  • 438