Các nhà khoa học tìm thấy dấu chân động vật thuộc nhóm bò sát Archosauriforms, cho thấy chúng đã phát triển thịnh vượng trước và trong thời kỳ Đại Tuyệt chủng.
BBC hôm 18/6 đưa tin, các nhà khoa học Bảo tàng Khoa học ở Trento, Italy vừa tìm thấy dấu chân các loài động vật thời tiền sử tại Công viên địa chất Bletterbach, Italy.
Dấu chân tìm thấy ở Italia. (Ảnh: BBC)
Việc tìm kiếm dấu chân của một loài động vật đã tuyệt chủng rất khó khăn. Hơn nữa, đây là dấu chân từ hơn 250 triệu năm trước, thời điểm mà sự kiện tuyệt chủng tồi tệ nhất trong lịch sử Trái Đất, hay còn gọi là Đại Tuyệt chủng kỷ Permi xảy ra, giết chết 96% các loài động vật trên hành tinh.
Bằng cách kết hợp dữ liệu từ xương hóa thạch và các dấu chân tìm thấy, các nhà khoa học nhận ra rằng Archosauriforms đa dạng hơn họ nghĩ.
Archosauriforms là một nhánh các loài bò sát bao gồm những loài động vật thống trị thời bấy giờ như cá sấu, thằn lằn bay và nhiều loài thằn lằn khác. Nó cũng là nhóm sau này hình thành nên các loài khủng long.
Massimo Bernardi, chuyên gia của bảo tàng, cho rằng bằng cách tìm kiếm dấu chân của các loài động vật thời tiền sử, nhóm của ông bắt đầu hiểu được "một loại ngôn ngữ chung" giữa hai tập hợp dữ liệu rất khác nhau là xương hóa thạch và các dấu vết hóa thạch như dấu chân. Hai tập hợp dữ liệu này thông thường tách ra chứ không kết hợp với nhau.
Archosauriforms đa dạng hơn chúng ta nghĩ. (Đồ họa: Davide Bonadonna)
Nhờ vào phương pháp giải phẫu học tân tiến, Bernardi và đồng nghiệp xác nhận những dấu chân tìm thấy là của một loài rất giống với Archosaurifoms tồn tại khoảng 10 triệu năm trước kỷ Trias (kỷ Tam Điệp). Nghiên cứu này cho thấy rằng Archosaurifoms đã phát triển thịnh vượng trước hoặc trong chứ không phải là sau sự kiện Đại Tuyệt Chủng.
Họ cũng nhận thấy rằng các loài động vật thuộc nhóm này, tồn tại trước và sau sự kiện tuyệt chủng, sinh sống ở những vùng vĩ độ rất thấp. Điều này cũng đối lập với một nghiên cứu khác cho rằng tất cả các loài bò sát đã đi khỏi vùng vĩ độ thấp hay vùng nhiệt đới do nhiệt độ cao.
"Nếu những loài Archosaurifoms ít được biết đến không sống sót sau sự kiện tuyệt chủng cuối kỷ Permi thì ngày nay chúng ta sẽ không nhìn thấy những loài chim bay trên đầu chúng ta và những cuốn sách cổ sinh vật học cũng không đề cập đến các loài khủng long," Bernardi nói. Các loài chim ngày nay đều là con cháu của một nhóm khủng long giống chim Theropods.
Phát hiện này làm sáng tỏ hơn về sự đa dạng của Archosauriforms trước và sau sự kiện Đại Tuyệt chủng, giúp các nhà khoa học có thêm những gợi ý về sự tiến hóa của các loài, hiểu được tại sao nhóm này có thể sống sót và phát triển sau đó.
Có thể những loài này có những tính trội giúp chúng sống sót sau Đại Tuyệt chủng, cộng thêm chút "may mắn" nữa, Bernardi kết luận.