Phát hiện hành tinh lớn nhất ngoài hệ Mặt Trời quay quanh 2 ngôi sao

  •   3,510
  • 9.671

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 13/6 thông báo đã phát hiện hành tinh lớn nhất nằm ngoài hệ Mặt Trời, còn gọi là ngoại hành tinh, quay quanh 2 ngôi sao chủ và có thể có sự sống.

Đây là hành tinh thứ 11 xoay quanh 2 ngôi sao được phát hiện kể từ năm 2005 đến nay.

Hàng nghìn ngoại hành tinh được phát hiện trước đó chủ yếu quay quanh một ngôi sao chủ duy nhất.

Các nhà khoa học của NASA cho biết ngoại hành tinh, được đặt số hiệu Kepler-1647 b, được phát hiện nhờ sự hỗ trợ đắc lực của kính thiên văn Kepler.

Hành tinh này có kích thước tương đương Sao Mộc, và có quỹ đạo lớn tới mức phải mất 1.107 ngày, tức khoảng 3 năm, để hoàn thành một vòng quay quanh 2 ngôi sao chủ của mình.

Trong tổng số các hành tinh quay quanh 2 ngôi sao được phát hiện tính đến thời điểm này, Kepler-1647 b có khoảng cách xa nhất với hai ngôi sao chủ, đặt hành tinh này vào vùng "có khả năng tồn tại sự sống". Đây là những vùng có nhiệt độ không quá nóng, không quá lạnh đối với dạng nước lỏng, một nhân tố quan trọng giúp sự sống tồn tại.

Hành tinh này có tên gọi Kepler-1647 b.
Hành tinh này có tên gọi Kepler-1647 b. (Ảnh: astronomynow.com).

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại cho rằng do là một hành tinh khí giống Sao Mộc, khả năng tồn tại sự sống ở đây là "không thể". Song các nhà khoa học cũng đặt giả thiết có sự sống ở các mặt trăng lớn bay quanh Kepler-1647 b.

Theo một công trình nghiên cứu khác, Kepler-1647 b là hành tinh có 4,4 tỷ năm tuổi, "già" tương tự Trái Đất. Trong khi đó, các ngôi sao của hành tinh này có đặc tính tương tự Mặt Trời. Nằm gần chòm sao Cygnus, Kepler-1647 b cách Trái Đất khoảng 3.700 năm ánh sáng.

Trước đó, kính thiên văn Kepler cũng đã phát hiện gần 1.300 hành tinh nằm ngoài hệ Mặt Trời. Phát hiện này có thể góp phần hỗ trợ cho công cuộc nghiên cứu các hành tinh có khả năng tồn tại sự sống giống Trái Đất.

Kính thiên văn Kepler vẫn đang liên tục quan sát 150.000 ngôi sao có thể có hành tinh bay quanh. Với giá trị lên tới 600 triệu USD và được đưa lên vũ trụ từ tháng 3/2009, Kepler là kính thiên văn đầu tiên được NASA thiết kế nhằm tìm kiếm các hành tinh có kích thước hay cấu tạo giống Trái Đất ngoài hệ Mặt Trời bằng cách đo những thay đổi về độ sáng của một ngôi sao chủ khi có một hành tinh bay ngang qua.

Trong suốt thời gian thực hiện sứ mệnh, cho đến nay, Kepler đã phát hiện gần 2.325 ngoại hành tinh. Bằng cách quan sát các ngoại hành tinh này, các nhà khoa học NASA hy vọng sẽ thu thập thêm những thông tin quan trọng phục vụ công tác nghiên cứu và tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất.

Tính đến thời điểm hiện tại, giới khoa học đã phát hiện tổng cộng gần 5.000 hành tinh, với 3.200 trong số này đã được xác nhận.

Cập nhật: 14/06/2016 Theo TTXVN/Vietnam+
  • 3,510
  • 9.671