Phát hiện hố đen bí ẩn trên Google Maps

  •  
  • 705

Lên Google Maps tìm chỗ cho kỳ nghỉ cắm trại của mình, Joël Lapointe (Canada) bất ngờ phát hiện một hố đen bí ẩn.

Nơi Joël Lapointe tìm thấy cái hố là khu vực Côte-Nord của Quebec, Canada. Các nhà khoa học cho biết đây có thể là một miệng hố thiên thạch từ thời cổ xưa.

Hố đen đáng ngờ

Lapointe cho biết chiếc hố có đường kính khoảng 15km, với hình dáng cong khá đáng ngờ. Sau đó anh nhìn thấy một vành đai núi nhỏ có đường kính khoảng 8km bao quanh hồ Marsal, cách làng Magpie, Quebec khoảng 100km về phía bắc.

Hố thiên thạch được nhìn thấy trong hình ảnh từ Google Earth
Hố thiên thạch được nhìn thấy trong hình ảnh từ Google Earth - (Ảnh: Gordon Osinski).

Lapointe đã tìm đến các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, cuối cùng đã liên lạc được với Pierre Rochette, nhà địa vật lý đang công tác tại Trung tâm nghiên cứu khoa học địa chất môi trường ở Aix-en-Provence, Pháp.

"Địa hình gợi ý rất nhiều về một vụ va chạm", Rochette nói.

Theo Rochette, qua phân tích mẫu vật được lấy từ địa điểm trên, họ ghi nhận ít nhất một mẫu có chứa zircon - một khoáng chất cường lực đã biến đổi dưới tác động của va chạm.

Giúp tìm mối liên kết giữa Trái đất và vũ trụ bên ngoài

Theo NASA, miệng hố va chạm được hình thành khi một thiên thạch đâm vào bề mặt của một hành tinh với vận tốc hàng nghìn km/giờ, tạo ra các sóng xung kích làm đá tan chảy và tái kết tinh.

Tara Hayden, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại khoa khoa học Trái đất của Đại học Western, cho biết một số miệng hố có thể có tuổi đời hàng triệu hoặc thậm chí hàng trăm triệu năm.

Bà nói thiên thạch có thể khác nhau về loại và có thể đến từ các hành tinh cổ xưa hoặc vật chất từ thời kỳ đầu của Hệ Mặt trời. "Chúng có thể cho chúng ta biết về thời điểm chúng đến Trái đất. Và chúng ta có cơ hội tìm ra mối liên kết giữa Trái đất với vũ trụ bên ngoài", Hayden nói.

Gordon Osinski, giáo sư khoa học Trái đất tại Đại học Western, cho biết 31 trong số gần 200 miệng hố va chạm đã được xác nhận trên toàn thế giới nằm ở Canada. Chúng thường được tìm thấy ở những vùng đá cổ và gần 1/3 trong số các địa điểm này nằm ở Quebec.

Trước khi chính thức phân loại hố đen trên là một miệng hố, nhóm nghiên cứu sẽ phải thực hiện nhiều cuộc thử nghiệm khác nhau. Một trong những dấu hiệu của một miệng hố là sự tồn tại của các hình nón vỡ. Chúng trông giống như các rãnh hoặc đường nét trên bề mặt đá.

Osinski nói ông hy vọng có thể tới địa điểm này vào năm tới.

Cập nhật: 10/09/2024 Tuổi Trẻ
  • 705