Phát hiện hóa thạch bọ cạp 437 triệu năm tuổi

  •  
  • 312

Bọ cạp có thể là sinh vật cổ xưa nhất chuyển từ dưới biển lên mặt đất mà giới khoa học từng phát hiện.

Hóa thạch bọ cạp 437 triệu năm tuổi ở Wisconsin.
Hóa thạch bọ cạp 437 triệu năm tuổi ở Wisconsin. (Ảnh: Global News).

Hai hóa thạch của loài bọ cạp cổ xưa Parioscorpio venator được đào lên từ một mỏ đá ở Wisconsin, Mỹ, những năm 1980, sau đó bảo quản tại bảo tàng thuộc Đại học Wisconsin. Andrew Wendruff, nhà cổ sinh vật tại Đại học Otterbein, nghiên cứu lại những mẫu vật này và ngạc nhiên khi phát hiện chúng vẫn lưu giữ một số bộ phận của hệ tiêu hóa, hô hấp và tuần hoàn, CNN hôm 16/1 đưa tin.

"Một số cấu trúc bên trong bọ cạp tiền sử vẫn được bảo tồn. Chúng giống bọ cạp hiện đại ở chỗ, rất có thể chúng đã hít thở không khí", Wendruff nhận xét. Dù chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy Parioscorpio venator sống trên cạn, ông cho rằng chúng có khả năng thở trên mặt đất và chắc hẳn đã lên bờ.

Hóa thạch không lưu lại phổi hay mang. Tuy nhiên, sự tương đồng với sam, sinh vật thở được trên cạn, cho thấy dù những con bọ cạp cổ xưa này không sống hoàn toàn trên cạn, chúng cũng có thể rời khỏi nước trong thời gian dài.

Mọi hóa thạch động vật cổ xưa hơn mà các nhà khoa học từng phát hiện đều thuộc về những sinh vật sống và thở dưới nước. Một con cuốn chiếu cổ đại từng được cho là sinh vật đầu tiên di chuyển lên bờ. Tuy nhiên, nó xuất hiện muộn hơn bọ cạp Parioscorpio venator 16-17 triệu năm.

"Thời điểm đó, trên mặt đất gần như chỉ có thực vật. Rất lâu sau cá mới bắt đầu bò lên cạn và khủng long xuất hiện", Wendruff giải thích.

Parioscorpio venator dài khoảng 2cm. Với ngòi chích đặc trưng ở đuôi, chúng rất giống bọ cạp ngày nay. Tuy nhiên, Wendruff cho biết, không có cách nào để xác định xem chúng có sử dụng nọc độc hay không.

Cập nhật: 21/01/2020 Theo VnExpress
  • 312