Phát hiện hóa thạch "gà địa ngục" 168 triệu năm

  •  
  • 368

Anzu wyliei là loài khủng long chân thú dài hơn 3 m, có bộ vuốt đặc biệt lớn và hình dáng giống đà điểu ngày nay.

Các nhà khảo cổ học đến từ Đại học Washington (UW) và Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên và Văn hóa Burke khai quật một số hóa thạch ở phía đông bắc bang Montana trong mùa hè năm nay. Nhóm hóa thạch bao gồm xương hông của một con khủng long chân thú lớn cỡ đà điểu, xương hông và chân của khủng long mỏ vịt, hộp sọ và những chiếc xương khác của khủng long ba sừng, xương chậu, móng vuốt ở ngón chân và các chi của một loài khủng long chân thú khác.

Phục dựng hình dáng của Anzu wyliei.
Phục dựng hình dáng của Anzu wyliei. (Ảnh: Mark Klingler/Bảo tàng Carnegie)

Nhóm nghiên cứu cho biết hóa thạch khủng long chân thú sau có thể thuộc về loài khủng long có lông hiếm gặp Anzu wyliei. Với biệt danh "gà địa ngục", A. wyliei được mô tả lần đầu tiên năm 2014.

A. wyliei dài khoảng 3,4 m và cao 1,5 m, theo Bảo tàng Smithsonian. Chúng giống loài chim lớn không biết bay như đà điểu emu hoặc đà điểu châu Phi, cùng với chiếc đuôi dài. A. wyliei có hộp sọ có mào, chiếc mỏ không răng, cánh tay có nhiều móng vuốt lớn uốn cong, đủ sắc bén để săn mồi hoặc tự vệ. Các nhà nghiên cứu cũng không loại trừ khả năng số hóa thạch tìm thấy ở Montana thuộc về một loài mới.

Có 3 trong 4 loài khủng long nằm gần nhau trên khu đất mà một người chăn nuôi gia súc đang thuê của Cục Quản lý Đất. Tất cả hóa thạch đều tập trung ở thành hệ địa chất có tên "Hell Creek", có niên đại từ cuối kỷ Phần Trắng, cách đây 66 - 68 triệu năm. Thời kỳ này kết thúc với sự kiện đại tuyệt chủng khiến phần lớn khủng long bị xóa sổ cùng với 3/4 động thực vật trên Trái đất. Giới nghiên cứu cho rằng sự kiện đại tuyệt chủng chủ yếu do tác động từ vụ va chạm với thiên thạch, làm thay đổi khí hậu và môi trường Trái đất. Trong thời kỳ sau sự kiện tuyệt chủng, Trái đất ghi nhận sự phát triển đa dạng chưa từng thấy ở các loài động vật có vú khi vắng bóng khủng long.

Tất cả hóa thạch do nhóm nghiên cứu ở UW tìm thấy sẽ được đưa tới Bảo tàng Burke. Công chúng có thể trực tiếp quan sát các nhà cổ sinh vật học làm sạch đất đá bám trên hóa thạch.

Cập nhật: 26/09/2021 Theo VnExpress
  • 368