Phát hiện loài bò sát nhỏ nhất thế giới

  •  
  • 3.664

Các nhà khoa học vừa tìm thấy loài thằn lằn có kích thước rất nhỏ và có thể dễ dàng đứng trên đầu que diêm. Khu vực mà họ phát hiện những con thằn lằn trên một hòn đảo nhỏ ngoài khơi Madagascar.

>>> Phát hiện loài thằn lằn mới tại Việt Nam

Các nhà nghiên cứu cho biết loài thằn lằn có tên Brookesia Micra là loài động vật có xương sống nhỏ nhất được phát hiện. Những con thằn lằn trưởng thành có chiều dài từ 16 đến 30mm. Ngoài ra, họ phát hiện thêm ba loài tắc kè nhỏ khác.

Loài thằn lằn có tên Brookesia micra
Loài thằn lằn có tên Brookesia micra

Frank Glaw, một chuyên gia nghiên cứu các loài bò sát và phụ trách bảo tàng Natural History tại Munich, Đức cho biết: "Chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm trong việc tìm kiếm thằn lằn nhỏ ở vùng Madagascar. Nhưng chúng tôi phải nhờ sự may mắn để hoàn thành công việc vì chúng quá nhỏ nên rất khó để phát hiện sự khác biệt bằng mắt thường".

Nhóm nghiên cứu tìm kiếm những con thằn lằn nhỏ bé trong đêm. Họ sử dụng đèn pha và đèn pin để tìm chúng. Tất cả bốn loài này thường hoạt động ban ngày và ngủ trong bụi cây nhỏ vào ban đêm.

"Một khi phát hiện ra những con thằn lằn đang ngủ thì việc bắt chúng dễ dàng như lấy một quả dâu tây vì chúng không di chuyển vào đêm", ông Glaw khẳng định.

Ông Glaw, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết các nhà khoa học đã nghiên cứu nhiều loài bò sát nhỏ ở phía Bắc đảo Madagascar từ năm 2003 đến 2007. Họ khẳng định 3 trong 4 loài được phát hiền là loài mới. Đồng thời họ cũng cảnh báo rằng 2 trong số các loài mới đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi nạn phá rừng ở Madagascar đang phá hủy đến môi trường sống của chúng.

"Tôi đã nghiên cứu về các động vật lưỡng cư và bò sát trong 25 năm cho rằng Brookesia Micra có thể là ví dụ điển hình về sự thu nhỏ kích thước cho loài động vật có xương sống và có đôi mắt hoạt động độc lập này. Tuy nhiên đây có thể vẫn chưa phải là loài nhỏ nhất và chúng tôi sẽ tiếp tục tới Madagascar, nơi có nhiều điều bất ngờ đang chờ khám phá", ông Glaw kết luận.

Trần Mạnh Hồng (livescience)
  • 3.664