Hổ Tasmania sắp được "cải tử hoàn sinh"

  •   52
  • 1.958

Nhờ vào phương pháp tái tạo gene từ những mẫu vật được lưu giữ trong bảo tàng, các nhà khoa học đang hy vọng sẽ “hồi sinh” cho hổ Tasmania – loài thú ăn có túi lớn nhất trong thời hiện đại đã bị tuyệt chủng cách đây hơn 80 năm trước.

Hổ Tasmania hay chó sói Tasmania, chó sói túi có tên khoa học Thylacinus cynocephalus. Đây chính là loài thú ăn thịt có túi lớn nhất trong thời hiện đại. Trong quá khứ, loài động vật này được phát hiện đầu tiên ở Australia và Papua New Guinea. Thế nhưng, vào những năm 1930, nạn săn bắn quá mức của con người đã khiến loài thú có túi này bị tuyệt chủng.

Hổ Tasmania.
Hổ Tasmania.

Hiện tại, một số mẫu vật của hổ Tasmania chỉ còn được lưu giữ trong các lọ hóa chất và được bảo quản nghiêm ngặt trong một số bảo tàng ở Australia. Đáng chú ý, các mẫu vật này vẫn lưu giữ được nguyên vẹn DNA của chó sói Tasmania và đây chính là tiền đề để giới khoa học tiến hành các biện pháp nhân bản nhằm phục sinh chúng trong tương lai.

Nhờ vào việc phân tích gene di truyền, các nhà khoa học đang tỏ ra rất tự tin trong việc “phục sinh” cho loài hổ Tasmania. Trước đó, vào tháng 12/2017, các nhà khoa học thuộc Đại học Melbourne (Australia) đã giải mã được toàn bộ gen của loài thú ăn thịt có túi này.

Tuy nhiên, ở thời điểm đó, có một khó khăn trong việc hồi sinh hổ Tasmania là tìm ra loài có kiểu gene tương thích, gần giống chúng để tiến hành nhân bản. May mắn thay, cho đến hiện tại, việc chỉnh sửa gene CRISPR đã mở ra cơ hội lớn cho công việc đưa chó sói Tasmania trở lại Trái Đất.

Cụ thể, các nhà khoa học đã tìm ra cách chỉnh sửa một số gene của họ hàng chó sói Tasmania hoặc làm tê liệt một số gene khác để giúp tỷ lệ tương thích trở nên cao hơn. Qua đó, mở ra cơ hội tạo ra những cá thể hổ Tasmania đầu tiên kể từ sau khi tuyệt chủng.

Hiện tại, ngoài việc cố gắng nghiên cứu để nhân bản thì các nhà khoa học cũng tin rằng hổ Tasmania vẫn còn tồn tại trong thiên nhiên hoang dã. Vì vậy, nhiều cuộc tìm kiếm đã được các nhà khoa học triển khai và nếu nó thành công thì việc đưa loài thú ăn thịt có túi này trở lại trở nên dễ dàng hơn.

Cập nhật: 17/05/2018 Theo Tiền Phong
  • 52
  • 1.958