Phát hiện lông vũ từ thời khủng long được bao bọc trong hổ phách

  •   53
  • 1.439

Bảy chiếc lông vũ trong tình trạng bảo quản hoàn hảo trong hổ phách được phát hiện gần đây ở Pháp chứa đựng thông tin về một giai đoạn cực kỳ quan trọng trong sự tiến hóa lông vũ. Các nhà khoa học cho biết bộ lông triệu năm tuổi có cả cấu trúc tương tự lông vũ ở một số khủng long hai chân có tên theropods và lông vũ của chim hiện đại.

Điều đó có nghĩa là hóa thạch này có thể lấp một khoảng trống quan trọng trong câu đố loài chim hình thành từ khủng long như thế nào, theo nhóm nghiên cứu của Vincent Perrichot của Viện cổ sinh vật học, Đại học Kansas nhận định.

Phát hiện là một ví dụ rõ ràng “về một mối liên hệ giữa lông tơ sợi nhỏ sơ khai và lông vũ hiện đại”, theo thành viên của nhóm nghiên cứu Didier Néraudeau, Đại học Rennes, Pháp. Nhóm nghiên cứu chưa chắc chắn liệu những chiếc lông vũ thuộc về khủng long hay chim. Nhưng những chiếc răng hóa thạch từ hai họ khủng long được cho là có lông vũ cũng được khai quật từ lớp đá ngay trên hổ phách. “Rất có thể những chiếc lông vũ thuộc một con khủng long hơn là của một con chim.”

Những sợi lông tơ

Perrichot phát hiện những chiếc lông vũ nhỏ nẳm trong một khối hổ phách, một loại nhựa cây hóa thạch, trong một mỏ đá thuộc vùng Poitou-Charentes, Pháp vào năm 2000.

Thân ống của lông vũ mang tính sơ khai và rất gần với lông tơ. Những sợi tơ của lông vũ chưa được gắn chặt hoàn toàn vào phần gốc và tương tự như lông tơ ngày nay, chúng thiếu những loại móc giữ lông tơ lại với nhau. Ngày nay loài chim không thể cất cánh bằng những chiếc lông vũ như thế.

Các công trình nghiên cứu cho rằng những chiếc lông vũ sơ khai đầu tiên tiến hóa từ loài khủng long không thể bay vốn dùng để sinh nhiệt và giữ nhiệt. Những chiếc lông vũ sau này mới tiến hóa để có thêm chức năng bay, mặc dù các chuyên gia tranh cãi liệu tổ tiên gần nhất của chim là những loài khủng long lượn, cư trú trên cây hay là những loài khủng long sống trên mặt đất chạy tốc độ cao và cuối cùng cất cánh khỏi mặt đất.

Bảy chiếc lông vũ có vẻ ngoài sơ khai được phát hiện trong một khối hổ phách có niên đại từ cách đây 100 triệu năm và có thể lấp một chỗ trống quan trọng trong câu đố làm cách nào khủng long tiến hóa thành chim. Những chiếc lông vũ này có đặc điểm sợi tương tự như lông vũ của loài khủng long theropod hai chân và của lông vũ loài chim hiện đại. (Ảnh: National Geographic)

Dù là cách nào đi nữa, những chiếc lông vũ nằm trong hổ phách này lần đầu tiên cho thấy sự chuyển đổi từ sợi lông tơ sang hình dạng hai chiều khí động giúp hình thành khả năng bay. “Bước phát triển quan trọng nhất trong quá trình tiến hóa lông vũ” được đưa ra trong những thuyết tiến hóa nhưng chưa từng được kiểm nghiệm trên lông vũ hóa thạch lẫn hiện đại.

Thành viên nhóm nghiên cứu Néraudeau cho biết thêm mối liên hệ còn thiếu này đã là “một cuộc tranh cãi của những người theo thuyết sáng tạo và những người khác phản đối loài theropod - chim và ủng hộ cho những nguồn gốc khác của lông vũ theropod và lông vũ chim."

“Bằng chứng tốt đầu tiên”

Nick Longrich, Đại học Calgary - Canada, cho biết: “Đây có thể là chứng cứ tốt đầu tiên về lông vũ trên thân của khủng long.”

Chuyên gia về hóa thạch chim ước tính lông vũ mới phát hiện có sau loài chim bay đầu tiên được ghi nhận, loài Archaeopteryx sống cách đây 150 triệu năm, khoảng 50 triệu năm.

Longrich cho biết: “Rõ ràng loài vật chủ nhân của những chiếc lông vũ không là tổ tiên trực tiếp của loài nào trừ khủng long, nhưng có thể chúng ta đang quan sát nhiều khía cạnh của cấu trúc lông vũ cổ. Vì vậy bản thân loài vật không mang tính chuyển đổi mà nó mang một cấu trúc có tính chuyển đổi.”

Cũng có thể cấu trúc đơn giản của những chiếc lông vũ không quá sơ khai. Những loài chim không thể bay ngày nay như chim trĩ và đà điểu cũng có những chiếc lông vũ cực đơn giản. Cần nhiều mẫu vật hóa thạch hơn nữa để có thể kết luận về vấn đề này, vì vậy “hy vọng công trình này sẽ khiến cho thêm người tìm kiếm những hóa thạch trong hổ phách”, Longrich nói thêm.

Tuệ Minh (Theo National Geographic)
  • 53
  • 1.439