Hơn 20 mộ táng và nông cụ bằng đá, trang sức từ 3.500 năm trước được bóc tách, phục dựng sau hơn 10 năm khai quật ở hồ Nước Trong.
Hồ Nước Trong ở huyện Sơn Hà nằm trên sông Tang, tổng diện tích 460km2, trong đó mặt hồ 12km2, là một trong bốn hồ thuỷ lợi lớn nhất miền Trung, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khởi công từ 2007. Trong lúc dự án được giải phóng mặt bằng, cơ quan quản lý văn hóa và các nhà khảo cổ phát hiện các di tích cư trú, mộ táng và các đồ đá, đồng, sắt, đồ thủy tinh và đồ gốm ở thung lũng sông Tang thuộc hồ này.
Hơn 10 năm trước, 54 mộ táng được khai quật, bó thạch cao trong các thùng gỗ, chuyển về bảo quản ở Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi.
Các mộ chum được chỉnh lý và phục dựng trong năm 2021 và 2022. Quy trình kỹ thuật gồm bóc tách đất bám vào mộ chum, phục dựng, xử lý và bảo quản đồ gốm, đồng, sắt trong mộ; xác định niên đại...
Hôm 25/10, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi tổng kết dự án chỉnh lý (bóc tách, phục dựng, nghiên cứu) các di vật ở hồ Nước Trong.
Mộ chum được khai quật 10 năm trước ở lòng hồ Nước Trong. PGS. TS Nguyễn Khắc Sử (Viện Khảo cổ học) cho biết, đây là mộ của cư dân tiền Sa Huỳnh và mộ thuộc nền Văn hóa Sa Huỳnh. Người Sa Huỳnh để mộ gần nơi ở, về sau do sự phát triển của cộng đồng dân cư và thay đổi quan niệm, họ đưa mộ ra cách xa nhà. Hồ Nước Trong cách đầm An Khê (thị xã Đức Phổ) - nơi phát hiện những di chỉ đầu tiên của văn hóa Sa Huỳnh - khoảng 100km về phía Tây, ở đây cũng có các mộ chum tương tự.
Người xưa dùng hòn đá để đánh dấu mộ.
Một mộ chum sau khi được phục dựng. TS Đoàn Ngọc Khôi, Phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, cho biết trong số mộ chum được tìm thấy, có 19 mộ hình quan tài. Loại mộ này chôn theo tro cốt sau khi hỏa táng, kèm công cụ đá, đồ trang sức và đồ gốm. Ngoài 19 mộ quan tài còn có 6 mộ đất, tử thi được chôn thẳng vào đất, nằm thẳng kè gốm xung quanh.
Theo các nhà khảo cổ, người xưa đã dùng các loại ống trong tự nhiên để làm hoa văn hình tròn cho các ngôi mộ, thể hiện tính thẩm mỹ và quyền năng của chủ nhân.
Mộ chum có các kiểu: Chum hình cầu, trụ, hình trứng, bình hoa. Chum không nắp, hoặc có nắp hình lồng bàn - chậu - nón cụt...
Chiếc rìu đá là đồ tùy táng trong mộ. Ngoài ra, trong mộ thường có bàn nghiền, bàn đập, chày nghiền vỏ các loại hạt, quả và đồ gốm.
Một trang sức bằng mã não trong mộ táng ở hồ Nước Trong. Đá mã não là dòng đá phổ biến nhất của loại đá chalcedony, thuộc dòng đá thạch anh và được con người khai thác từ hàng nghìn năm trước công nguyên.
Cụm đá từng là nông cụ của người dân Sa Huỳnh ở hồ Nước Trong. Văn hóa Sa Huỳnh (2.000-3.000 năm trước) là một trong ba nền văn minh cổ của Việt Nam, được phát hiện lần đầu năm 1909 ở khu vực gần An Khê (thị xã Đức Phổ). Các nghiên cứu sau đó nhận định, không gian văn hóa Sa Huỳnh trải dài trên miền Trung trong đó Quảng Ngãi, Quảng Nam là vùng lõi. UBND Quảng Ngãi đề nghị ngành văn hóa cùng các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý các di vật còn lại ở hồ Nước Trong, có phương án trưng bày các mộ chum đã được phục dựng để phát huy giá trị di sản.