Phát hiện mới: Vẹt cũng biết tạo và sử dụng dụng cụ

  •  
  • 711

Trong thiên nhiên hoang dã, vẹt không biết sử dụng các công cụ, nhưng các nhà khoa học nói rằng họ đã quan sát thấy một con vẹt mào bị nhốt trong lồng đã dùng một chiếc que để khều thức ăn nằm ngoài tầm với của nó, con vẹt nói trên có tên là Figaro.

Figaro được phát hiện khi đang “chơi” với một viên sỏi trong trại chim nơi nó sống ở một cơ sở nghiên cứu gần Viên, và tại thời điểm nó đánh rơi viên đá bên ngoài lưới bao vây chiếc lồng.

Khi nó không thể với tới viên sỏi bằng mỏ hoặc bằng móng vuốt, Figaro đã quặp lấy một chiếc que nhỏ để “câu” hòn đá, các nhà nghiên cứu nói.

”Để tiếp tục kiểm tra điều này, sau đó chúng tôi thay thế chỗ của viên sỏi bằng một quả hạch và bắt đầu quay phim”, Alice Auersperg thuộc Đại học Viên nói: "Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, nó không đi kiếm một cái que nhưng bắt đầu cắn một mảnh lớn từ cái xà của chuồng chim. Figaro cắt cái xà khi nó có kích thước và hình dạng phù hợp để phục vụ như một công cụ cào để lấy quả hạch. Thực sự bất ngờ để thấy con chim sử dụng một dụng cụ, nhưng chúng tôi chắc chắn đã không chờ đợi nó tạo ra một dụng cụ”.

Auersperg cho biết Figaro lấy thành công quả hạch mỗi khi họ đặt chúng ngoài tầm với của nó. Và phần lớn thời gian, nó tạo ra một dụng cụ mới hoặc sửa chữa một cái cũ cho có hình dạng và kích thước phù hợp hơn để lấy quả hạch.

Các nhà nghiên cứu nói không rõ về cách mà Figaro đã học để “phát minh” ra dụng cụ như thế nào, nhưng họ tin rằng các quan sát của họ cho thấy các loài có kích thước não lớn, có thể giải quyết vấn đề, có thể có khả năng tạo ra và sử dụng các dụng cụ một cách tự nhiên ngay cả nếu chúng không làm như vậy thường xuyên.

Nhà nghiên cứu Alex Kacelnik của Đại học Oxford cho biết: "Figaro vẫn đơn độc trong số các loài và trong loài vẹt cho thấy khả năng này, nhưng hành động của nó cho thấy việc sử dụng các dụng cụ có thể có ở các loài không chuyên sử dụng dụng cụ. Quan trọng là, sau khi tạo ra và sử dụng dụng cụ đầu tiên, Figaro dường như biết chính xác phải làm gì, và đã cho thấy không do dự trong những thử nghiệm tiếp theo”.

Kacelnik trước đây đã nghiên cứu trên quạ New Caledonian. Những con quạ này được coi là chuyên gia tạo ra dụng cụ trong tự nhiên và dường như chúng trau dồi “nghề” của mình bằng cách học hỏi từ những con quạ nhiều tuổi hơn. Tuy nhiên, trong một trường hợp giống như của Figaro, Kacelnik quan sát thấy một con quạ New Caledonian tên là Betty phát minh ra một loại móc dây điện chưa từng có để lấy những thực phẩm nằm ngoài tầm với của nó.

Kacelnik cho rằng trường hợp của quạ Betty và vẹt Figaro sẽ giúp các nhà khoa học khám phá những điều chưa biết về sự tiến hoá của trí thông minh.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Current Biology tuần này.

Phạm Thị Bích Thu (Livescience)
  • 711