Nghiên cứu của NASA cho thấy, Sao Diêm Vương có thể tồn tại những ngọn núi lửa khổng lồ có thể phun ra băng thay vì dung nham như thường.
Theo một hình ảnh mới đây từ tàu New Horizons của NASA, cực Nam của sao Diêm Vương - Pluto có thể tồn tại những ngọn núi lửa khổng lồ. Nhưng không chỉ vậy, những ngọn núi lửa này có thể là "núi lửa lạnh" - cryovolcano - phun ra băng, thay vì dung nham và khói bụi như bình thường.
Thời điểm những hình ảnh đầu tiên của Pluto được công bố, nhiều người đã tin rằng hành tinh này là một thế giới băng giá và lạnh lẽo (do là hành tinh cách xa Mặt trời nhất). Nhưng dần dần, chúng ta đang dần hiểu hơn về tinh cầu này.
Bức ảnh đầu tiên của Pluto được công bố vài tháng trước.
Theo như bức ảnh mới nhất, tại cực Nam của Diêm Vương tinh có 2 ngọn núi lửa khổng lồ, mang tên Wrights Mons và Piccard Mons có thể đang có những hoạt động địa chất bên trong. Theo ước tính, 2 ngọn núi trải rộng 160km, trong đó Piccard Mons cao 6000m, còn Wrights Mons là 3500m.
Miệng núi lửa Wright cao 3.500m.
Những ngọn núi này khá giống với những ngọn núi lửa tại các tinh cầu khác. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những ngọn núi này khi phun trào sẽ tung ra hỗn hợp của nước đá, amoniac và khí methane, thay vì dung nham và tro bụi. Và nếu thông tin này là sự thật, đây sẽ là phát hiện quan trọng nhất do tàu New Horizon mang lại, vì chúng ta chưa bao giờ quan sát được hiện tượng này tại khu vực rìa Hệ Mặt trời.
Dù hiện nay, NASA chưa chính thức công nhận đây là những "núi lửa lạnh", nhưng theo Oliver White - tiến sĩ dự án New Horizon của NASA: "Với tư cách là một người chuyên nghiên cứu về núi lửa, tôi không nghĩ có điều gì sai ở đây cả".
Alan Stern - giám sát dự án cũng cho biết thêm: "Các cấu trúc địa chất tương tự như vậy cũng được tìm thấy trên sao Hỏa, nhưng những hành tinh giữa chúng thì không có. Điều này thực sự rất đáng ngạc nhiên".
Bên cạnh việc tìm ra núi lửa, NASA cũng rất bất ngờ khi Pluto có một lịch sử hoạt động địa chất khá dài. Diêm Vương tinh có tới 1000 núi lửa trên bề mặt, và một số chỉ ra rằng những hoạt động địa chất đầu tiên của hành tinh này đã có từ khi nó mới được hình thành - khoảng 4 tỉ năm trước.
Lịch sử hoạt động địa chất khá dài của Pluto.
Và thứ gì đã hình thành nên các hoạt động này? Các chuyên gia tin rằng Pluto có một nguồn nhiệt ở bên trong lõi - thứ còn lại từ quá trình cấu tạo nên hành tinh này từ 4,5 tỉ năm trước. Nguồn nhiệt đủ để giữ cho băng đá chảy bên trong lòng hành tinh, nhưng với lớp băng như vậy trên bề mặt, lượng nhiệt là không đủ để tạo thành dung nham.
Theo tiến sĩ Kelsi Singer từ Viện nghiên cứu Tây Nam, Colorado (Mỹ): "Pluto đang cho chúng ta hiểu thêm về quá trình hình thành của những hành tinh trong hệ Mặt trời".