Hai loài thằn lằn chân ngón đặc hữu của Việt Nam và 1 loài rắn lục Hòn Sơn vừa được phát hiện trên những ngọn núi tách rời dãy Trường Sơn thuộc tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai và Kiên Giang...
Hai loài thằn lằn nói trên thuộc họ tắc kè - Gekkonidae. Thằn lằn chân ngón Tà Kóu Cyrtodactylus takouensis sp. nov. Ngô & Bauer, 2008 dài 171,4mm. Mặt lưng có 5 vạch màu nâu sô-cô-la nhạt xen kẽ 5 vạch vàng tươi hẹp hơn, đuôi có 3 vạch. Loài thằn này được khám phá trong một hang nông của Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu (Bình Thuận).
Thằn lằn chân ngón Huỳnh-Cyrtodactylus huynhi sp. nov Ngô & Bauer, 2008 được khám phá trong một hang nông của núi Chứa Chan (Đồng Nai). Loài thằn lằn mới này có chiều dài cơ thể là 147,5mm. Mặt lưng có 5-6 vạch không đều có màu nâu đậm giữa vai và cuống đuôi. Những vạch này được viền trước và sau bởi những nốt sần màu trắng nhạt. Đuôi có 10 vạch nâu đậm xen kẽ với nâu nhạt.
|
Thằn lằn chân ngón Tà Kóu được khám phá trong một hang nông của Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu (Bình Thuận). |
Tên gọi
“chân ngón Huỳnh” được đặt theo tên GS Đặng Huy Huỳnh - viện trưởng đầu tiên của Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (Hà Nội), một trong những người có công góp phần đào tạo nhiều thế hệ các nhà khoa học nghiên cứu động vật của Việt Nam.
Rắn lục Hòn Sơn-Cryptelytrops honsonensis sp. nov. Grismer, Ngô & Grismer, 2008 thuộc họ rắn lục (Viperidae), được khám phá ở đảo Hòn Sơn (Kiên Giang). Loài rắn này dài khoảng 626-648mm.
Khám phá trên là kết quả hợp tác quốc tế không chính thức giữa nhà nghiên cứu động vật Ngô Văn Trí (Phòng Công nghệ và Quản lý môi trường, Viện Sinh học Nhiệt đới TP.HCM, thuộc Viện Khoa học Việt Nam) với GS Aaron M. Bauer, Jesse .L. Grismer, Trường ĐH Villanova, bang Pennsylvania, Hoa Kỳ và GS L.Lee Grismer, Trường ĐH La Sierra, California, Hoa Kỳ.
Ông Ngô Văn Trí cho biết, việc tìm ra các loài thằn lằn chân ngón Tà Kóu, thằn lằn chân ngón Huỳnh và loài rắn lục mới Hòn Sơn một lần nữa cho thấy tài nguyên các loài động vật ở Việt Nam không những đa dạng về mặt chủng loại mà còn rất giàu về nhân tố đặc hữu. Khám phá này đã và đang góp phần quan trọng đối với công tác kiểm kê và đánh giá đa dạng các loài động vật rừng ở nước ta. Trong đó, các loài động vật đặc hữu là một trong những ưu tiên cao cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Đối với giới khoa học trong nước, đây là một phát hiện rất đáng chú ý, nó có ý nghĩa lớn trong việc thống kê nguồn tài nguyên thiên nhiên và công tác bảo tồn động vật đặc hữu, bởi đây là những loài đặc hữu hẹp (chỉ phân bố ở một vùng địa lý hẹp) duy nhất chỉ có ở Việt Nam.
Còn đối với giới khoa học thế giới, việc khám phá ra hai loài thằn lằn chân ngón và rắn lục Hòn Sơn là một trong những đóng góp mang ý nghĩa quan trọng, làm
“giấy khai sinh” cho những
"công dân" mới trên hành tinh xanh của chúng ta, nhất là trong bối cảnh khí hậu toàn cầu biến đổi mạnh như hiện nay.