Tạp chí cổ sinh vật học Alcheringa cho biết các nhà khoa học tại Australia vừa phát hiện 24 vết chân khủng long có niên đại khoảng 105 triệu năm, trong giai đoạn trái đất nóng lên khi vùng bờ biển phía Nam của châu Đại Dương còn dính với Nam Cực.
Khác với những dấu vết hóa thạch, các vết chân cung cấp cái nhìn hiếm hoi về hành vi của loài khủng long.
Vết chân khủng long hóa thạch.
Những vết chân thuộc Kỷ Phấn Trắng là một khám phá đáng kể bởi vì chúng cho biết chỉ dấu trực tiếp về cách khủng long ở vùng cực tương tác với môi trường sinh hoạt như thế nào vào một thời kỳ quan trọng trong lịch sử địa lý.
Các nhà cổ sinh vật học tìm thấy những vết chân có 3 móng in trên sa thạch dọc theo một bờ biển xa xôi cách thành phố Melbourne, bang Victoria khoảng 100km về phía Tây, có vẻ thuộc về ba cỡ khác nhau của loài khủng long ăn thịt có hai chân gọi là theropods, là tổ tiên xa xưa của loài chim hiện đại.
Các chuyên gia nói rằng những vết chân mới tìm thấy này là di chỉ được bảo tồn tốt nhất của khủng long vùng cực tìm thấy tại Nam bán cầu.