Phát hiện xương hóa thạch loài di cư từ châu Phi sang châu Âu

  •  
  • 288

Một số xương hóa thạch của loài động vật giống người có tuổi khoảng 1,8 triệu năm vừa được các nhà khoa học tìm thấy tại Cộng hòa Geogia. Đây là xương hóa thạch lâu đời nhất được tìm thấy bên ngoài châu Phi.

Trưởng nhóm khảo cổ David Lordkipanidze cho rằng, số xương này có nét đặc trưng pha trộn giữa sự nguyên thủy và tiến hóa. Động vật gần giống người này có thể đã di chuyển từ châu Phi đến các vùng khác trên thế giới. Qua một số xương hàm và đầu lâu, người ta có thể tìm hiểu nhiều thông tin quan trọng về động vật thời đó. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa tìm được bất kỳ một bộ xương hoàn chỉnh nào.

Theo nhận định ban đầu, xương hóa thạch này có thể là loài có tên khoa học Homo erectus, một nhánh phát triển của loài Homo xuất hiện cách đây khoảng 2 triệu năm tại châu Phi. Sau đó, di chuyển sang châu Âu và châu Á. Điểm đáng chú ý của động vật này là xương sống và chi dưới của loài này có cấu trúc thích nghi với việc di chuyển xa, trong đó, bàn chân đặc biệt phát triển. Kích thước của loài này còn phụ thuộc vào giống đực hoặc giống cái.

Tuy nhiên, bộ não nhỏ và chi trên còn kém phát triển, tương tự đặc điểm Australopithecus xuất hiện đầu tiên ở châu Phi cách đây 4 triệu năm trước.

Những năm 90 của thế kỷ trước, một số vật dụng của động vật giống người cũng đã từng được tìm thấy tại vị trí khảo cổ tại Dmanisi (một thị trấn thuộc CH Georgia).


Hóa thạch được tìm thấy tại CH Georgia (Ảnh: BBC)


Xương chi trên gần như không tiến hóa (Ảnh: BBC)

Trần Nam

Theo BBC, Người lao động
  • 288