Khai quật ngôi mộ 2.200 năm có thể thuộc về vua nước Sở

  •  
  • 318

Các nhà khảo cổ suy đoán ngôi mộ 2.200 năm lớn và cao cấp nhất từ thời Chiến quốc, có thể thuộc về Sở Khảo Liệt vương, trị vì năm 262 - 238 trước Công nguyên.

Gong Xicheng, nhà nghiên cứu ở Viện Di sản văn hóa và Khảo cổ tỉnh An Huy, chia sẻ các chuyên gia đang cố gắng hoàn tất công tác khai quật ngôi mộ Wuwangdun rộng khoảng 1,5m2 tại tỉnh này trong năm nay. Theo ông, có thể khi đó bí ẩn về danh tính chủ nhân ngôi mộ sẽ sáng tỏ, Global News đưa tin.

Một phần số cổ vật trong ngôi mộ Wuwangdun
Một phần số cổ vật trong ngôi mộ Wuwangdun. (Ảnh: Xinhua).

Ngôi mộ có niên đại từ thời Chiến quốc, là ngôi mộ lớn và cao cấp nhất từ nước Sở. Ở thời kỳ hưng thịnh, nước Sở cai trị khu vực rộng lớn dọc theo các nhánh trung lưu và hạ lưu của sông Dương Tử. Nước Sở tồn tại khoảng 800 năm trước khi bị xâm chiếm vào năm 223 trước Công nguyên bởi hoàng đế Tần Thủy Hoàng, người sau này thống nhất Trung Quốc. Qua nhiều năm, những nhà nghiên cứu vẫn tranh cãi ngôi mộ được xây cho ai.

Trong số những đối tượng tiềm năng nhất, nhóm nghiên cứu nghiêng về Sở Khảo Liệt vương, vị vua trị vì nước Sở hơn 20 năm dưới thời Chiến quốc. Tên thật là Hùng Hoàn, ông trị vì từ năm 262 đến năm 238 trước Công nguyên. Khi là thái tử, Sở Khảo Liệt vương bị đưa tới nước Tần hùng mạnh hơn làm con tin năm 17 tuổi. Ông sống ở kinh đô Tần quốc 10 năm và cưới con gái của vua Tần trước khi trốn về Sở quốc để thừa kế ngai vàng.

Năm 241 trước Công nguyên, vào những ngày cuối cùng của nước Sở, Sở Khảo Liệt vương dời đô về phía đông tới Thọ Xuân, ngày nay nằm ở thành phố Hoài Nam, tỉnh An Huy. Thọ Xuân là kinh đô cuối cùng của nước Sở và ngôi mộ Wuwangdun nằm cách di tích của cố đô khoảng 15km. Theo sử sách Trung Quốc như Sử ký của Tư Mã Thiên, Sở Khảo Liệt vương không có con trai. Người nối ngôi ông là Hùng Hãn, con trai của một quan viên.

Công tác nghiên cứu đang diễn ra giúp bảo vệ ngôi mộ Wuwangdun từ năm 2020. Tính đến nay, nhóm khảo cổ khai quật hơn 1.000 cổ vật, từ vại đồng và đồ dùng trong nhà, đến đồ sơn mài và đồ gỗ, nhạc cụ và tượng. Họ cũng tìm thấy lượng lớn chữ khắc trong mộ, có thể hé lộ xã hội dưới thời nước Sở và cuối thời Chiến quốc.

Cập nhật: 27/04/2024 VnExpress
  • 318