Phát triển tim nhân tạo có thể thay thế tim thật

  •  
  • 388

Để giúp những bệnh nhân chờ cấy ghép tim, công ty Carmat phát triển tim nhân tạo, thiết bị thay thế toàn bộ tim thật cho tới khi tìm được người hiến tạng.

Tim nhân tạo do công ty Carmat phát triển
Tim nhân tạo do công ty Carmat phát triển. (Ảnh: Carmat).

Có hình dáng tương tự tim người và nặng 4 kg, thiết bị này hoạt động nhờ hai bộ pin có thời lượng 4 giờ trước khi cần kết nối với bộ cung cấp điện chính. Các cảm biến phát hiện huyết áp và một thuật toán kiểm soát lưu lượng máu theo thời gian thực.

Stéphane Piat, giám đốc điều hành Carmat, cho biết thiết bị hoạt động giống tim người, do đó nếu bệnh nhân đi lại, lưu thông máu sẽ tăng. Ngược lại, khi bệnh nhân đang nằm nghỉ, lưu thông máu sẽ ổn định ở mức thấp. Những bộ phận tiếp xúc với máu của bệnh nhân được làm từ vật liệu tương thích với cơ thể người, giúp giảm nguy cơ xuất hiện phản ứng có hại. Sau phẫu thuật cấy ghép, thiết bị không cần bảo dưỡng.

Hiện có 19 bệnh nhân đã sử dụng thử nghiệm thiết bị. Hồi tháng 12/2020, công ty được cấp phép bán sản phẩm trong Liên minh châu Âu. Tháng trước, Carmat bắt đầu nghiên cứu về tính khả thi của tim nhân tạo để xin giấy phép lưu hành từ Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA). Họ hy vọng có thể bán sản phẩm này tại Đức vào cuối tháng 6. Tính đến cuối năm, Carmat sẽ tạo ra 20 trái tim nhân tạo. Thiết kế hiện nay phù hợp với phần lớn đàn ông nhưng quá lớn so với phụ nữ.

Công ty Carmat được thành lập vào năm 2008 nhưng nhà phẫu thuật người Pháp Alain Carpentier bắt đầu phát triển trái tim nhân tạo cách đây 25 năm. Martin Cowie, giáo sư tĩnh mạch học ở Đại học Hoàng gia London, cho biết trong thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu đã tìm cách chế tạo bơm cơ khí có thể thay thế hoàn toàn trái tim. Những nỗ lực đó thường xuyên gây đột quỵ, cục máu đông và nhiễm trùng, nhưng vật liệu mà Carmat sử dụng là một bước đi đúng hướng.

Cập nhật: 30/03/2021 Theo VnExpress
  • 388