Phi công chiến đấu có bộ não khác người thường?

  •  
  • 3.229

Một nghiên cứu mới công bố của trường Đại học University College London (UCL) cho thấy, khả năng thực thi nhiệm vụ dưới áp lực của các phi công lái máy bay chiến đấu có thể phụ thuộc vào cách tổ chức bộ não của họ.


Các phi công lái máy bay chiến đấu có phản ứng chính xác hơn người thường.

Các phi công lái máy bay chiến đấu của lực lượng Không quân Hoàng gia Anh được huấn luyện để bay với tốc độ siêu âm ở độ cao thấp, đòi hỏi họ phải có khả năng kiểm soát tốt với ít sơ suất. Nguyên tắc này được coi là đạt giới hạn hoạt động nhận thức của con người. Điều đó thúc đẩy các nhà khoa học tại trường UCL tiến hành nghiên cứu chức năng não của họ.

Cuối cùng, nhóm nghiên cứu đã phát hiện những khác biệt trong chất trắng và các kết nối của bán cầu phải bộ não của phi công lái máy bay chiến đấu so với những người tình nguyện khỏe mạnh không phải là phi công.

Theo hãng thông tấn BBC, các nhà khoa học thuộc trường UCL đã xem xét cách thức 11 phi công lái máy bay tiêm kích Tornado của Không quân Hoàng gia Anh hành động trong hai cuộc kiểm tra nhận thức trực quan tiêu chuẩn để đánh giá về sức mạnh suy nghĩ của họ. Kết quả kiểm tra của họ được so sánh với những người khỏe mạnh ở cùng độ tuổi, giới tính nhưng không có kinh nghiệm lái máy bay. Những người tham gia thí nghiệm cũng được được chụp máy quét MRI để xem cấu trúc bộ não của họ.

Hai cuộc kiểm tra trực giác đã đo lường mức độ nhanh chóng và chính xác của một người khi đối phó với một mục tiêu trong lúc bị phân tâm. Nhóm nghiên cứu thấy rằng, các phi công phản ứng chính xác hơn những người bình thường trong cuộc thí nghiệm đầu tiên, nhưng không có khác biệt trong thí nghiệm thứ hai. Điều đó đồng nghĩa với việc hoạt động não của họ phụ thuộc cao vào các cuộc kiểm tra cụ thể.

Giáo sư Masud Husain thuộc trường UCL bày tỏ rằng, nhóm nghiên cứu của ông rất ấn tượng với khả năng đưa ra những lựa chọn chính xác, nhanh chóng của các phi công lái chiến đấu cơ. Theo ông, khả năng thực thi một số nhiệm vụ chính xác hơn của các phi công liên quan tới sự khác biệt trong hệ thống kết nối của bán cầu não phải.

Các kết quả kiểm tra hé lộ rằng, việc kiểm soát nhận thức tối ưu đi kèm với những thay đổi cấu trúc trong não, không chỉ là sự lớn hơn của các khu vực có liên quan trong bộ não mà còn cả sự khác biệt trong kết nối giữa các khu vực trọng điểm.

Ông Husain nói thêm rằng: "Một câu hỏi thú vị đặt ra ở đây là, các phi công đã được sinh ra như thế hay khả năng có được thông qua đào tạo? Có ý kiến cho rằng họ đã được trời phú cho khả năng đó từ khi lọt lòng mẹ".

Nhóm nghiên cứu của ông Husain hy vọng sẽ tiếp tục tìm hiểu về các nhóm lao động chuyên môn khác, ví dụ như các ngôi sao thể thao, để xem liệu có thêm khác biệt trong cấu trúc bộ não hay không.

"Điều gì khiến họ khác biệt. Liệu có những dấu ấn trong não mà chúng ta có thể quan sát được bằng máy quét hay không?", ông Husain nhấn mạnh.

Theo VietNamNet
  • 3.229