Phóng to 10 lần bức tranh cổ: Hậu thế ngỡ ngàng phát hiện bí mật quyền lực trên bàn cờ ngàn năm

  •  
  • 6.202

Nếu phóng đại lên 10 lần, người xem sẽ nhìn thấy một bức tranh khác được ẩn giấu bên trong. Rốt cuộc bức tranh cổ này chứa bí mật gì?

Họa trung họa - Tranh trong tranh

Bảo tàng Cố cung là nơi lưu trữ rất nhiều bảo vật của Trung Quốc, trong đó bao gồm bản sao của một bức tranh vô cùng nổi tiếng có niên đại ngàn năm lịch sử - "Cờ vây trùng đồ".

Tương truyền bức tranh được vẽ bởi Chu Văn Thụ (917- 975), một họa sĩ thời Ngũ Đại. Trải qua ngàn năm bãi bể nương dâu, các triều đại luân phiên thay đổi, bức tranh gốc đã bị thất lạc từ lâu, chỉ còn lại một bản sao được cất giữ tại bảo tàng.

Bức "Cờ vây trùng đồ" có tính nghệ thuật rất cao khi tập trung thể hiện cảm nhận về chiều sâu và cảm giác về không gian.

Tác giả đã sử dụng bút pháp "họa trung họa" khi vẽ một tấm bình phong được lồng trong tấm bình phong khác để biểu hiện hai chiều không gian thực ảo đan xen. Các tấm bình phong chồng lên nhau được gọi là màn trùng, hay "tranh trong tranh".

Bên cạnh đó, bức tranh này không chỉ có thiết kế khắt khe, tỉ mỉ về không gian mà còn rất tinh tế trong cách khắc họa nhân vật. Do bị ảnh hưởng bởi xu hướng "cái đẹp là cái lớn" lúc bấy giờ, nên tỷ lệ nhân vật trong tranh không phù hợp với thực tế tuy nhiên vẫn thể hiện tư duy hình học tỷ mỉ và độc đáo của tác giả.

Từ thời cổ đại, bức tranh bí ẩn này đã được rất nhiều học giả ngưỡng mộ và được liệt kê trong cuốn "Kho báu Thạch Cừ". Bức tranh được săn lùng và tranh luận sôi nổi như vậy là do phép ẩn dụ nối tiếp trong đó.

Tranh ra đời vào thời Nam Đường (937-976), đến nay đã có lịch sử hơn một nghìn năm.

Đây là một triều đại lịch sử rối ren, nội chiến liên miên cộng với ngoại xâm loạn lạc khiến các hoàng đế Nam Đường luôn phải sống trong lo sợ.

Chính vì lẽ đó mà họ phải đưa ra rất nhiều chính sách để bảo vệ bản thân, điều này đã được phản ánh rất rõ trong bức tranh.

Đầu tiên phải kể đến bốn người đàn ông trong bức tranh: Nam Đường Hoàng đế Lý Cảnh (916- 961) và ba người anh em trai của ông.

Có một chi tiết cần lưu ý đó là có một người đàn ông ngồi cùng hàng, kề vai với Lý Cảnh. Điều này đương nhiên không hề hợp lý bởi dưới chế độ phong kiến, hoàng đế là vị trí trên vạn người, làm sao có thể cho phép người khác ngồi ngang hàng với mình?

Đây rõ ràng là xúc phạm hoàng quyền, đụng đến uy nghiêm của quốc gia. Một họa sĩ từng vẽ tranh cho hoàng gia chẳng lẽ không biết điều này hay sao?

Làm sao ông lại có thể phạm phải một sai lầm đơn giản như vậy? Chỉ có một khả năng duy nhất đó là: Em trai của Lý Cảnh đã đạt tới địa vị ngang hàng với vị Hoàng đế.

Bức tranh được vẽ bởi Chu Văn Thụ, một họa sĩ thời Ngũ Đại.
Bức tranh được vẽ bởi Chu Văn Thụ, một họa sĩ thời Ngũ Đại. (Nguồn: Sohu.com).

Điều này thật vô lý nhưng khi nhìn lại lịch sử, chúng ta phải chấp nhận rằng đây hoàn toàn là sự thật. Nam Đường thường xuyên xảy ra hỗn loạn, Hoàng đế phải đối mặt với áp lực cả bên trong lẫn bên ngoài, mà trong đó không thể không kể đến nguy cơ bị hãm hại bởi chính anh em trong hoàng thất.

Lý Cảnh đã nhận thức rõ được tình hình này ngay khi mới đăng cơ, vì muốn giữ vững yên ổn khi đang tại vị, ông đã ra một sắc lệnh đặc biệt.

Trên thực tế, không chỉ có người em trai bên cạnh Lý Cảnh trong tranh có địa vị ngang hàng mà hai người còn lại cũng có thân phận giống như vậy.

Nam Đường thời đó tồn tại nhiều hơn một "chủ nhân" bởi sắc lệnh "Huynh tử đệ kế" nổi tiếng trong lịch sử. Sắc lệnh này cho phép anh em của Lý Cảnh được nối ngôi nếu Lý Cảnh băng hà.

Bản thân Hoàng đế cũng không muốn như vậy nhưng khi mới đăng cơ, trong tay các huynh đệ khác đều có binh mã, để giữ an toàn cho bản thân ông đành chấp nhận. Trong bức tranh bốn anh em được xếp theo thứ tự trưởng thứ ngụ ý rằng họ đã chấp nhận chế độ này, ngôi vị của Lý Cảnh tạm thời được giữ lại.

Trên bàn cờ chỉ có quân đen mà không có quân trắng.
Trên bàn cờ chỉ có quân đen mà không có quân trắng. (Nguồn: Sohu.com).

Mọi người trong tranh tưởng như đang chơi cờ một cách vui vẻ bình thường. Tuy nhiên khi để ý kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy trên bàn cờ chỉ có quân đen mà không có quân trắng.

Khi phóng to gấp 10 lần, chúng ta có thể phát hiện: Một bên bàn cờ những quân đen xếp thành hình chòm sao Bắc Đẩu Thất Tinh, quân cờ ở phía còn lại tượng trưng cho sao Bắc Cực.

Ở Trung Quốc cổ đại, sao Bắc Đẩu được coi là biểu tượng của quyền lực hoàng gia, thường hướng về sao Bắc Cực, nhưng trên bàn cờ lại ngược lại.

Ván cờ ngụ ý rằng, từ sâu bên trong Nam Đường hoàng đế không hề hài lòng với sắc lệnh "Huynh đệ kế", thậm chí bất mãn với tình trạng bấy giờ. Ông ta không hề muốn để quyền lực tuột khỏi tay.

Nếu có cơ hội, Lý Cảnh nhất định sẽ cương quyết không giao lại ngai vàng cho bất kỳ ai. Lịch sử Nam Đường cũng đã chứng minh điều đó: Lý Cảnh cuối cùng đã truyền ngôi cho con trai của mình là Lý Dục (937- 978).

"Huynh tử đệ kế" rốt cục cũng chỉ là một bong bóng chóng tàn trong lịch sử Nam Đường. Bức tranh tưởng chừng chỉ là cuộc gặp gỡ vui vẻ giữa những người anh em bình thường nhưng đằng sau nó lại là trò chơi quyền lực của cả một vương triều.

Cập nhật: 23/11/2020 Theo Pháp luật và bạn đọc
  • 6.202