Phù - dấu hiệu của nhiều bệnh nguy hiểm

  •   2,430
  • 100.965

Phù là một dấu hiệu của nhiều bệnh nguy hiểm chết người như: bệnh gan, thận, ung thư... Vì vậy khi bị có dấu hiệu bị phù bạn nên đi khám để tìm nguyên nhân và có phương pháp điều trị kịp thời.

Phù là hiện tượng ứ nước trong các tổ chức dưới da hoặc ở các tạng của cơ thể. Phù có thể khu trú ở chi, mặt, ngực, có khi phù toàn thân.

Tại sao cơ thể bị phù?

Theo Bác sĩ Phan Văn Ngọc, Trưởng khoa Nội tổng hợp, bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM:

Cơ thể bị phù gồm có 2 dạng là phù mềm và phù cứng. Phù cứng xảy ra thường là bệnh liên quan đến tuyến giáp. Còn phù mềm hay còn gọi là phù dịch, nó xuất phát từ hiện tượng dịch từ trong lòng mạch thoát ra ngoài khoảng bào.

So với phù cứng thì phù mềm dễ phát hiện hơn. Khi bạn dùng tay ấn vào da trên nền cứng khi rút tay ra thì thấy chỗ dấu tay ấn bị lõm xuống.

Nguyên nhân gây phù có thể là do cơ thể không giữ được nước khi thiếu đi lượng protein và albumin khiến cơ thể bị phù.

Da chân bị lõm khi dùng tay ấn xuống
Da chân bị lõm khi dùng tay ấn xuống

Phát hiện phù

Bằng mắt thường mọi người có thể thấy ngay được, nhưng đôi khi rất khó xác định phù. Người bệnh có cảm giác nặng mặt, nặng chân. Nơi bị phù sưng to, căng mọng, làm mất đi các nếp nhăn, mắt cá, đầu xương bị phẳng lỳ. Da vùng phù nhạt màu, ấn vào nơi phù da lõm xuống, đặc biệt là ấn vào mặt trước trong xương chày.

Các dấu hiệu kèm theo như lượng nước tiểu ít đi, gan to, cổ trướng, khó thở... Phù giữ nước nên cân nặng có thể tăng hằng ngày từ 1 đến 2 kg.

Phù toàn thân

Thường phù từ mặt, bụng, ngực, chân, tay, kèm theo tràn dịch màng phổi, màng bụng, màng tim, màng tinh hoàn. Hay gặp những bệnh sau:

Thận nhiễm mỡ: Phù rất to. Phù trắng, lúc đầu phù ở mặt, sau phù toàn thân. Thường kèm theo tràn dịch màng phổi, màng bụng. Ăn nhạt không giảm phù. Nước tiểu có nhiều protein. Xét nghiệm máu: urê, creatinin không cao, protein giảm nhiều, cholesterol tăng nhiều.

Viêm cầu thận cấp hoặc mạn: Phù trắng, mềm, ấn lõm, phù toàn thân, rõ ở hai chi dưới. Ăn nhạt phù giảm rõ. Có thể kèm theo tăng huyết áp, tràn dịch màng phổi, màng tim. Nước tiểu ít, vẩn đục, có protein, trụ niệu. Có thể thiếu máu. Chức năng thận rối loạn, creatinin tăng cao.

Suy dinh dưỡng: Phù toàn thân hoặc hai chi dưới, phù trắng, mềm, ấn lõm, mức độ phù buổi sáng và chiều như nhau. Nước tiểu không có protein. Thường do thiếu ăn hoặc đang mắc các bệnh mạn tính như: rối loạn tiêu hóa lâu ngày, lao, ung thư, các bệnh tê liệt, bị các bệnh mạn tính nằm lâu.

Phù do nội tiết: Phù do tăng aldosteron: Phù trắng, ấn lõm, phù chi dưới, có khi phù mặt, phù kín đáo, có trường hợp tự khỏi. Gặp ở phụ nữ, có liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt. Nước tiểu không có protein. Điều trị bằng spirolacton có hiệu quả.

Phù do thiểu năng tuyến giáp: phù cứng, ấn không lõm, mặt tròn mắt híp, môi dày, lưỡi to. Móng chân, tay có ngấn, khô rạn, tóc cứng, dễ gãy. Chậm chạp, trí tuệ kém phát triển, nhiệt độ giảm, huyết áp hạ, mạch chậm.

Phù do ưu năng tuyến thượng thận: Mặt tròn đỏ, phù cứng, huyết áp tăng. Gặp ở người có u ở vỏ thượng thận, người uống corticoid lâu ngày, nếu ngừng uống thì các triệu chứng sẽ hết.

Chân phù dấu hiệu của bệnh tim mạch
Chân phù dấu hiệu của bệnh tim mạch

Phù khu trú

Phù ngực: Còn gọi là phù áo khoác, phù từ ngực có thể phù lên cổ, mặt hoặc phù cả hai tay. Do u đè ép vào ống bạch mạch ở ngực và tĩnh mạch chủ trên. Trên da ngực nổi nhiều mạch máu ngoằn nghèo màu tím, bệnh nhân đau ngực, vú to. Chụp Xquang lồng ngực thường thấy khối u trung thất.

Phù hai chi dưới: Do suy tim và xơ gan:

Do suy tim: lúc đầu phù 2 mắt cá chân, phù mềm, ấn lõm. Phù xuất hiện vào buổi chiều, mất đi lúc sáng sớm và lúc nghỉ ngơi. Hai chân phù rất to, có khi nứt da, nước vàng chảy rỉ ra. Ăn nhạt phù giảm rõ. Kèm theo tim to, gan to, tĩnh mạch cổ nổi, mạch nhanh, khó thở, đái ít. Suy tim nặng có thể có cổ trướng, tràn dịch màng phổi.

Do xơ gan: gan có thể to, cứng, thường gan bị teo. Phù ít, ấn lõm, sau phù to. Nước cổ trướng tái phát nhanh. Có thể kèm theo tràn dịch màng phổi, màng tinh hoàn, có mạch máu nổi ở da bụng. Chức năng gan suy giảm.

Phù do thiếu vitamin B1: (Bệnh Bêribêri hay bệnh tê phù). Phù hai chân, ấn lõm, thường phù rõ vào buổi chiều, hai chân thấy tê bì như kiến bò, hay bị chuột rút, phản xạ gân gối mất. Thường do ăn uống thiếu chất lâu dài. Điều trị bằng vitamin B1 phù mất đi rõ rệt. Nếu mẹ đang nuôi con thì con cũng bị thiếu vitamin B1, hay khóc về đêm, gọi là khóc "dạ đề".

Phù do thai nghén: Gặp ở người có thai, có hoặc không có protein niệu. Cần phải khám thai định kỳ để xác định.

Phù một chi: Phần nhiều gặp ở chân hơn ở tay, do bệnh của các huyết quản.

Viêm tắc tĩnh mạch: Phù mềm, ấn lõm, da ấm. Rất đau khi nắn vào chi phù. Gác chân lên cao, nằm nghỉ thì bớt phù. Có sốt, gặp ở người sau đẻ, sau phẫu thuật vùng hố chậu, bệnh nhiễm khuẩn nặng.

Viêm mạch bạch huyết: phù mềm, ấn lõm, rất đau. Trên da nổi những đường đỏ, nóng và đau. Các hạch bạch huyết tương ứng trong vùng như bẹn, nách cũng sưng và đau. Đôi khi có sốt. Phát hiện có vết xước, vết thương, nhọt. Trong trường hợp mới mắc bệnh giun chỉ, có thể tìm thấy ấu trùng giun chỉ ở máu tĩnh mạch vào ban đêm.

Phù cứng: Thường là phù chân voi, di chứng của viêm mạch bạch huyết do giun chỉ. Ống bạch huyết bị vỡ vào tổ chức dưới da, gây phù cứng. Da rất dầy và cứng, ấn không lõm. Thường bị một chân, có khi cả 2 chân nhưng không đều. Phù bộ phận sinh dục như bìu xù xì, to và cứng. Nếu ống bạch huyết vỡ vào bể thận, thì bệnh nhân đái ra dưỡng chấp màu đục như nước vo gạo.

Phù dị ứng: Thường xuất hiện đột ngột sau khi ăn hoặc tiếp xúc tác nhân dị ứng như thuốc, thức ăn, bụi nhà, phấn hoa, sâu róm... Phù xuống quanh mắt, mồm, da nổi cục và ngứa, mất đi rất nhanh khi dùng thuốc chống dị ứng, có khi tồn tại vài ngày.

Ngoài ra, phù còn do suy giảm hệ tĩnh mạch, do các nguyên nhân chèn ép tĩnh mạch do viêm, do ung thư hay bệnh toàn thân, bệnh thiếu máu.

Khi bị phù, bạn cần đến cơ sở y tế để các bác sĩ khám, làm các xét nghiệm, xác định bệnh. Từ đó bạn sẽ nhận được lời khuyên và phương pháp điều trị theo từng nguyên nhân cụ thể của từng bệnh.

Cập nhật: 24/11/2016 Theo Sức khỏe & đời sống, TTO
  • 2,430
  • 100.965