Cây thân gỗ đầu tiên trên thế giới cao gần 9 mét và trông giống như một cây cọ hiện đại, các nhà khoa học tuyên bố sau khi tái tạo nó. Hơn 1 thế kỷ trước, các công nhân đã khai quật hàng trăm gốc cây thẳng đứng có niên đại 385 triệu năm, sau một vụ ngập lụt ở Gilboa, New York, nhưng rất ít thông tin được tiết lộ về hình dáng của loài cây này.
Năm 2004, các nhà khoa học đã khai quật một hoá thạch ngọn cây nặng 160 kg của cùng giống cây đó ở cách xa vài dặm. Mùa hè kế tiếp, nhóm nghiên cứu khám phá một mảnh thân cây dài gần 9 mét. Ghép nối các mảnh ngọn, thân và gốc cây, các nhà khoa học đã phục dựng lại được hình dáng của thân cây hoàn chỉnh.
"Đây là những cây gỗ rất lớn", thành viên nhóm nghiên cứu William Stein, một nhà thực vật học tại Đại học bang New York ở Binghamton cho biết. "Bản phục dựng này cho thấy chúng dài hơn rất nhiều và giống hơn nhiều so với bất kỳ thân cây nào được tái tạo trước đây", Stein cho biết.
Hình dáng cây cổ đại được tái tạo. (Ảnh: LiveScience)
Loài cây này thuộc về một nhóm thực vật giống dương xỉ cổ đại có tên gọi Wattieza. Không giống các loài cây có hoa, sử dụng hạt để sinh sản, Wattieza sử dụng bào tử - là phương pháp sinh sản của tảo, dương xỉ và nấm.
Phát hiện sẽ giúp các nhà khoa học hiểu được điểm chuyển tiếp quan trọng trong lịch sử trái đất - khi những cánh rừng đầu tiên xuất hiện.
Wattieza sống trong kỷ Devon - trước khi các sinh vật đại dương bò lên đất liền. "Các loài cây đã đi trước khủng long khoảng 140 triệu năm. Thời kỳ đó không có con gì bay được, không bò sát và cũng chẳng có lưỡng cư", các nhà khoa học nói. Giờ đây chúng đã tuyệt chủng.
Sự xuất hiện của các thực vật đất liền như Wattieza đã làm thay đổi mạnh mẽ khí hậu và mở đường cho sự mở rộng lãnh thổ của động vật và côn trùng. "Các cánh rừng đã lấy đi khá nhiều CO2 trong khí quyển. Điều này khiến cho nhiệt độ hạ xuống và trái đất trở nên gần giống với điều kiện ngày nay".
Ngọn cây (Ảnh: LiveScience)
Gốc cây (Ảnh: LiveScience)
T. An