Phút cuối cùng của năm 2005 sẽ có 61 giây

  •  
  • 203

Cơ quan Quan sát sự quay của Trái Đất ( IERS), có trụ sở tại Paris, đã quyết định bổ sung thêm 1 giây "nhuận" vào 24h đêm 31/12/2005 (giờ GMT), khiến tổng số giây trong năm 2005 không phải là 31.556.926 như mọi năm mà sẽ là 31.556.927 giây.

Trước đây, để đo thời gian, người ta thường dùng đồng hồ nước, đồng hồ quả lắc hoặc đồng hồ năng lượng Mặt Trời. Tuy nhiên, từ năm 1950, các chuyên gia của IERS sử dụng một công cụ mới, hiệu quả hơn để thực hiện công việc này. Đó là đồng hồ nguyên tử, có khả năng đo thời gian với độ chính xác cao: 50 triệu năm mới chỉ chệch 1 giây.

Văn phòng quốc tế về trọng lượng và đo lường (BIPM), có trụ sở ở Pháp, đã thông qua một hệ thống gồm 250 đồng hồ nguyên tử được đặt rải rác trên thế giới, quyết định về thời gian nguyên tử quốc tế (TAI - International Atomic Time) và thời gian phối hợp toàn cầu (UTC - Coordinate Universal Time). Tuy nhiên, TAI được tính toán dựa trên máy móc, trong khi UTC được tính dựa theo các chu kỳ mọc và lặn của Mặt Trời.

Theo các nhà thiên văn học, dưới sức ép của thủy triều và tác động của Mặt Trăng, Trái Đất quay chậm lại do bị mất năng lượng. Đó chỉ là một sự chênh lệch rất nhỏ nhưng cũng đủ để tạo ra sự khác biệt giữa giờ TAI và giờ UTC do đó đôi khi thế giới cần có sự điều chỉnh về thời gian. Đêm 31/12/2005 sẽ là lần điều chỉnh thời gian lần thứ 22 và có thể sẽ là lần điều chỉnh cuối cùng trong lịch sử. Dự kiến trong tháng 8/2006, Liên hiệp quốc tế các ngành liên lạc viễn thông (UIT) sẽ xem xét việc chấm dứt sử dụng "giây nhuận".

Theo Thanh Niên
  • 203