“Project Vietnam” tấm lòng các bác sĩ đa quốc tịch

  •  
  • 176

Các chuyên gia của Project Vietnam đang hướng dẫn các bác sĩ VN. (Ảnh: rojectvietnam)

Đoàn tình nguyện của nhóm Project Vietnam (từ Mỹ) gồm 86 thành viên với 40 chuyên gia và bác sĩ đa quốc tịch đang trong chuyến hành trình (từ 27-10 đến 11-11) phổ biến kiến thức và kỹ năng chăm sóc trẻ sơ sinh...

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 3-11 khi đoàn đang ở TP.HCM, bác sĩ Quỳnh Kiều, thành viên Viện Hàn lâm y khoa Mỹ - điều phối viên chương trình, cho biết Project Vietnam là một dự án trợ giúp trẻ em của Viện Hàn lâm y khoa Mỹ, đã hoạt động hơn 10 năm nay và tạo được nhiều thành quả khích lệ về giáo dục y tế và giáo dục thực hành. Cứ mỗi năm hai lần, vào mùa xuân và thu, Project Vietnam lại tổ chức về VN tập huấn, trao các thiết bị và hỗ trợ phẫu thuật cho các em bé ở VN. Giữa hai kỳ chính đó có một kỳ phụ do các sinh viên y khoa về VN đi tiền trạm mùa hè để chuẩn bị.

Trong chuyến đi lần này, đoàn đã hoàn thành các chương trình đào tạo và hướng dẫn kỹ năng tại các tỉnh Kiên Giang, Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM. Hôm qua đoàn đã ra Hà Nội để tiếp tục các chương trình của mình tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Tây, Hải Phòng, Nghệ An.

Bác sĩ Quỳnh Kiều, điều phối viên chương trình. (Ảnh: Projectvietnam)

Bác sĩ Quỳnh Kiều cho biết trong số các dự án ở VN, từ hè năm nay Project Vietnam đang đẩy mạnh chương trình “Hơi thở cho trẻ em” nằm trong dự án “Sáng kiến chăm sóc sơ sinh” với việc tuyên truyền sử dụng thiết bị trợ thở:  “Rất nhiều trẻ khi sinh ra bị tắc các đường hô hấp do đờm ở trong khí quản.

Ngoài ra, phổi của các em do chưa hoạt động thở bao giờ nên vẫn còn bị lép, do đó cần có các thiết bị trợ thở để giúp các em đảm bảo được sự sống của mình”. Bà Kiều cho biết một số biện pháp thông thường như vỗ vào người trẻ cho trẻ khóc (để thở) trong một số trường hợp không hiệu quả và rất dễ gây tử vong. Hiện nay mỗi ngày ở VN có khoảng 100 trẻ sơ sinh bị chết ngạt, 90% các trường hợp như vậy có thể được cứu sống nếu có thiết bị trợ thở. Hoặc việc một số bác sĩ hay người thân của trẻ dùng miệng trực tiếp hút đờm cho trẻ đôi khi vô tình truyền các mầm bệnh truyền nhiễm cho trẻ mà không biết. 

Bà Kiều cho biết mỗi thiết bị trợ thở trị giá khoảng 100 USD, mỗi bộ có thể dùng cho 100 bé/năm và có thể dùng được trong 3-5 năm. Bà cũng đề đạt nguyện vọng là Bộ Y tế VN sẽ đưa thiết bị rất cơ bản đó vào danh sách các thiết bị được trang bị tại các trạm xá cơ sở để giúp giảm tỉ lệ tử vong của trẻ sơ sinh - hiện chiếm 51% trong các nguyên nhân gây tử vong cho trẻ em. Trong chuyến đi lần này của nhóm Project Vietnam, đoàn sẽ hiến tặng 750 thiết bị trợ thở cho các địa phương.

Cùng đi với đoàn lần này có các giáo sư, bác sĩ danh tiếng của các trường đại học, bệnh viện ở Mỹ, Úc, Pháp như Douglas Powell của Bệnh viện Cleverland, Aune Ades và Jacqueline Evans của Bệnh viện trẻ em Philadelphia, Michael Stratrowski của Bệnh viện St Christopher. Giáo sư về miễn nhiễm Dean Blumberg, trưởng khoa bệnh nhiễm trẻ em của đại học California Davis...

Thậm chí, vợ chồng bác sĩ Allen Cohen (giáo sư về quang tuyến) là một “trường hợp đặc biệt”: ông Cohen hiện đang bị gãy tay và chấn thương nơi bàn chân, trong khi vợ ông một tuần trước khi sang VN vẫn còn phải nằm viện để phẫu thuật động mạch, thế nhưng cả hai vẫn có mặt trong chuyến đi. Ngoài ra, con gái ca sĩ Ý Lan - sinh viên y khoa Mai Linh và hoa hậu Stella Nguyễn của Las Vegas cũng tham gia các hoạt động tình nguyện của đoàn.

THANH TUẤN

Theo Tuổi trẻ
  • 176