"Quái vật" đang lao về phía Trái đất có bạn là "thiên hà ma quỷ"

  •  
  • 607

Các nhà khoa học vừa xác định được Pegasus V - một thiên hà ma quỷ là hóa thạch quý hiếm từ bình minh của vũ trụ, nằm kề cận bên thiên hà Tiên Nữ (Andromeda).

"Thiên hà ma quỷ" là biệt danh giới thiên văn ám chỉ những thiên hà cực mờ và gần như trong suốt, giống một bóng ma. Thiên hà lùn Pegasus V, nằm trong chòm sao Pegasus (Phi Mã) là ví dụ.

Theo Sci-News, Pegasus V được phát hiện khi nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi tiến sĩ Michelle Collins từ Đại học Surrey - Anh phân tích kho dữ liệu được thu thập bởi thiết bị Quang phổ đa vật thể Gemini (GMOS), đặt trên kính thiên văn Gemini North đặt tại Hawaii của Đài thiên văn Quốc tế Gemini.

Thiên hà ma quỷ Pegasus V
Thiên hà ma quỷ Pegasus V - (Ảnh: Đài thiên văn Quốc tế Gemini / NOIRLab)

"Thiên hà ma quỷ" này nằm ở vùng ven quầng sáng của thiên hà khổng lồ Tiên Nữ. Tiên Nữ là "quái vật" hàng xóm của thiên hà chứa Trái đất Milky Way, được dự báo sẽ lao thẳng về Milky Way, va chạm, sáp nhập và có thể hất văng địa cầu của chúng ta khỏi "vùng sự sống".

Thiên hà Pegasus V dường như cực kỳ thiếu các nguyên tố nặng hơn so với các thiên hà lùn tương tự, nên khả năng cao nó là một "hóa thạch" của vũ trụ, tức thuộc lớp những thiên hà đầu tiên ra đời, đến nay có thể đã ngưng hình thành sao. Điều này lý giải cho việc nó như một bóng ma trong mờ thay vì một đĩa thiên hà rực rỡ ánh sáng.

Việc phát hiện ra "thiên hà ma quỷ" này sẽ góp phần quan trọng vào bộ dữ liệu về vũ trụ sơ khai, nhằm chứng minh các lý thuyết lâu đời, ngoài ra còn giúp tìm hiểu thêm về "vật chất tối" bí ẩn của vũ trụ. Trở ngại lớn nhất trong việc tìm kiếm các thiên hà cùng loại là chúng quá mờ nhạt, có quá ít ngôi sao còn sáng để phát hiện.

Nghiên cứu đã được chấp thuận và sẽ xuất bản trong số tiếp theo của tạp chí khoa học Monthly Notices of the Royal Astronomical Society.

Cập nhật: 04/07/2022 NLĐ
  • 607