Quái vật "King Kong" ngoài đời thực đã bị tuyệt chủng vì lý do này

  •   2,65
  • 13.100

Các chuyên gia tại Đức đã tìm ra nguyên nhân khiến Gigantopithecus - quái vật King Kong của đời thực bị tuyệt chủng.

Trong phim, King Kong là một con quái vật khổng lồ thuộc họ linh trưởng, có hình dạng trông giống khỉ đột. Theo tính toán, King Kong cao khoảng 8m, nặng 20 tấn nhưng tất nhiên đây chỉ là một sản phẩm hư cấu mà thôi.

Hình ảnh King Kong khổng lồ trong bộ phim cùng tên.
Hình ảnh King Kong khổng lồ trong bộ phim cùng tên.

Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, sự thực là Trái đất từng tồn tại một loài khỉ đột khổng lồ - dù không to bằng King Kong. Đó là loài Gigantopithecus với chiều cao hơn 3m, nặng khoảng 500kg.

Loài khỉ này đã bị tuyệt chủng từ 100.000 năm trước, nhưng nguyên nhân khiến chúng tuyệt chủng đã từng gây tranh cãi rất nhiều. Đến nay các khoa học gia từ Viện nghiên cứu Senckenberg (Frankfurt, Đức) tin rằng, nguyên nhân khiến loài khỉ này biến mất là vì không thích ứng được với sự thay đổi khí hậu, khi các khu rừng bị biến thành đồng cỏ.

Sự thực là Trái đất từng tồn tại một loài khỉ đột khổng lồ - dù không to bằng King Kong.
Sự thực là Trái đất từng tồn tại một loài khỉ đột khổng lồ - dù không to bằng King Kong.

Vì sao khó xác định? Đó là bởi chế độ ăn của chúng không thực rõ ràng. Nhiều người cho rằng, chúng ăn cỏ, một số tin đây là loài ăn thịt. Thậm chí có người nghĩ chúng ăn tre trúc giống như loài gấu trúc ngày nay.

Theo giáo sư Hervé Bocherens tại ĐH Tubingen: "Có rất ít hóa thạch của Gigantopithecus. Nhưng dù sao, chúng tôi đã có thể hé lộ một chút về loài vật bí ẩn này".

Răng hóa thạch của loài Gigantopithecus.
Răng hóa thạch của loài Gigantopithecus.

Để xác định được các thông tin trên, đội nghiên cứu của Bocherens đã phân tích các mẫu răng của loài khỉ khổng lồ này. Kết quả cho thấy loài khỉ này... ăn chay và chỉ sống trong các khu rừng lớn.

Tuy nhiên vì vẻ ngoài to lớn, chúng không thể trèo cây để lấy thức ăn trên các cây cao. Vì thế, nó chỉ có thể phụ thuộc vào một số loại thực phẩm nhất định ở dưới thấp. Các chuyên gia tin, chính sự hạn chế này đã khiến Gigantopithecus không thể thích nghi với biến đổi khí hậu, khi các khu rừng biến thành thảo nguyên.

Ngoài ra, giáo sư Bocherens cho biết: "Các loài đười ươi thường có hệ trao đổi chất rất chậm, do đó chúng khó có thể tồn tại trong điều kiện thức ăn bị hạn chế".

Cập nhật: 05/01/2016 Theo Trí Thức Trẻ
  • 2,65
  • 13.100